7 lý do vì sao bé khóc và cách dỗ bé

lý do vì sao bé khóc và cách dỗ bé

Lý do vì sao bé khóc?

Em bé nào cũng khóc cả, không ít thì nhiều. Điều đó hoàn toàn bình thường. Hầu hết mọi em bé đều khóc từ 1-3 tiếng mỗi ngày.

Con bạn không thể tự mình làm bất cứ điều gì và phải phục thuộc hoàn toàn vào bạn, từ cho ăn, thay tã cho đến âu yếm, dỗ dành. Khóc là cách để bé truyền đạt những nhu cầu của mình đến bạn và đảm bảo rằng bạn sẽ đáp ứng chúng càng sớm càng tốt.

Đôi khi các bậc phụ huynh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đoán xem con mình đang cần gì. Nhưng dần dần bạn sẽ học được cách nhận ra những nhu cầu của bé. Và khi lớn lên, bé sẽ học được những cách mới để giao tiếp với bố mẹ. Bé sẽ có thể nhìn vào mắt bạn, gây ra tiếng động và mỉm cười, tất cả những thứ đó sẽ giúp bé giảm nhu cầu khóc để gây sự chú ý.

lý do vì sao bé khóc và cách dỗ bé

Trong thời gian đó, nếu bạn gặp khó khăn trong việc dỗ dành bé thì có lẽ bé đang muốn nói rằng:

Con đói

Đói là một trong những nguyên nhân phố biến nhất khiến trẻ sơ sinh khóc. Càng nhỏ thì khả năng bé khóc vì đói càng cao.

Dạ dày tí hon của bé không thể chứa nhiều thức ăn, vì vậy nếu bé khóc, hãy thử cho bé uống chút sữa. Bé có khả năng bị đói ngay cả khi bạn vừa cho bé bú mới đây thôi. Dù sao thì bạn cũng cần cho bé bú thường xuyên và đều đặn hơn trong những ngày đầu tiên để kích thích các tuyến sữa xuống nhanh hơn. Nếu bạn đang cho bé uống sữa công thức, bé sẽ không bị đói nếu vừa được cho bú cách đây không quá 2 tiếng đồng hồ.

Con cần thay tã

Con bạn có thể khóc nếu quần áo của bé quá chật hoặc tã ướt gây khó chịu cho bé. Hoặc đôi khi bé lại không bị gây khó chịu bởi tã ướt mà ngược lại còn cảm thấy thích thú bởi cảm giác ấm áp, thoải mái mà nó mang lại. Nhưng nếu làn da mỏng manh của bé bị kích thích, bé sẽ khóc.

Con bị lạnh hoặc bị nóng

Con bạn có thể ghét việc được thay tã hoặc tắm. Bé có thể cảm thấy không quen khi tiếp xúc với không khí lạnh và thích được bao bọc một cách ấm áp hơn. Nhưng bạn sẽ dễ dàng học được cách thay tã nhanh chóng cho bé nếu đây là trường hợp của bạn.

Hãy chú ý đừng mặc quá nhiều quần áo cho bé nếu không muốn bé bị quá nóng. Thông thường, bé sẽ cần mặc thêm một lớp quần áo so với người lớn để cảm thấy thoải mái nhất.

Hãy dùng ga trải giường hoặc chăn lưới để lót nôi hoặc chỗ nằm của bé. Bạn có thể kiểm tra xem bé có bị quá nóng hoặc quá lạnh không bằng cách sờ bụng bé. Nếu bụng bé quá nóng, hãy bỏ bới chăn, và nếu quá lạnh thì hãy thêm cho bé một chiếc.

Đừng bị đánh lừa bởi nhiệt độ tay hoặc chân bé, vì chúng lúc nào cũng mát. Hãy giữ nhiệt độ phòng bé trong khoảng 22-25 độ C tùy thuộc vào thời tiết bên ngoài.

Nếu bé ngủ chung giường với bố mẹ, việc tiếp xúc với cơ thể bạn sẽ làm tăng thân nhiệt của bé, giúp bé cảm thấy ấm áp hơn. Nếu bé ngủ trong giường cũi, hãy cho bé nằm ngửa và để chân bé gần chân giường. Cách này sẽ giúp bé không ngọ nguậy quá nhiều bên dưới những lớp chăn và bị nóng.

Con muốn được ôm

Con bạn sẽ có nhu cầu được ôm ấp, vỗ về rất nhiều để thấy thoải mái và an toàn hơn. Vì vậy, đôi khi bé khóc để báo cho bạn biết rằng bé muốn được ôm. Hãy sử dụng một chiếc địu để giữ bé gần bên bạn. Nếu có thể, hãy xoay vòng và hát khi bạn ôm bé.

Bạn có thể sẽ cảm thấy việc ôm bé quá nhiều sẽ làm hư bé. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn không có vấn đề gì trong những tháng đầu tiên. Bé yêu rất cần được vỗ về, an ủi bằng những tiếp xúc cơ thể. Nếu được ôm, bé có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi nghe nhịp tim đều đều của bạn.

Con mệt và muốn được nghỉ ngơi

Nếu bị mệt mỏi quá mức, bé sẽ rất khó ngủ. Bạn sẽ ngày càng quen dần với những dấu hiệu muốn đi ngủ của bé. Khóc quấy một cách nhẹ nhàng, nhìn bâng quơ vào một điểm vô định và bỗng dưng im lặng là ba dấu hiệu bé muốn đi ngủ.

Nếu con bạn nhận được quá nhiều sự chú ý và ôm ấp từ những vị khác viếng thăm, bé sẽ bị kích thich quá mức. Lúc này, bé sẽ cảm thấy rất khó ngủ. Hãy đưa bé đến một chỗ nào đó yên tĩnh để giúp bé dễ ngủ hơn. 

Con muốn một thứ gì đó giúp con cảm thấy tốt hơn

Hãy chú ý đến những thay đổi của bé. Nếu cảm thấy không khỏe, bé sẽ có một giọng khóc khác với giọng khóc thông thường của mình. Nó có thể yếu hơn, gấp gáp hơn, liên tục, hoặc cao vút. Và nếu bình thường bé khóc rất nhiều nay bỗng dưng im bặt, đó có thể là một dấu hiệu báo hiệu bé không được khỏe.

Không ai hiểu con bạn bằng bạn. Nếu bạn cảm thấy rằng bé đang có một vấn đề gì đó, hãy nói cho bác sĩ biết những lo lắng của bạn. Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bé bị khó thở trong khi khóc, hoặc việc khóc đi kèm với sốt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.

Con cần thứ gì đó nhưng không biết đó là thứ gì

Đôi khi bạn sẽ không thể đoán ra được nguyên nhân vì sao bé khóc. Nhiều trẻ sơ sinh thường cảm thấy bực bội, cáu kỉnh và rất khó dỗ. Sự khó chịu của bé có thể kéo dài từ vài phút cho vài tiếng đồng hồ. Nguyên nhân của việc khóc dai dẳng có thể là bé đang bị chứng đau bụng colic. Chứng colic có thể khiến bé khóc ít nhất 3 tiếng một ngày, hoặc ít nhất 3 ngày một tuần.

Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy rất đau đầu khi phải chăm con bị đau bụng colic, và điều này có thể khiến cả gia đình bị stress. Hiện nay, vẫn chưa có cách chữa trị chứng colic, nhưng nó thường không kéo dài quá 3 tháng. Nếu bạn có thể tự trấn an mình rằng bé sẽ sớm khỏi thôi, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

lý do bé khóc

Bé vẫn khóc. Tôi phải làm gì đây?

Một khi đã hiểu được tâm tính của bé, bạn sẽ học được những kỹ thuật chăm sóc phù hợp nhất cho bé. Nếu ôm ấp vẫn không có tác dụng, hãy thử những cách dưới đây:

Quấn bé trong chăn và ôm thật chặt

Trẻ sơ sinh có xư hướng thích sự ấm áp và an toàn khi còn nằm trong bụng mẹ, vì vậy bạn có thể thử quấn bé trong một chiếc chăn để xem bé có thích không. Nhiều bố mẹ cũng nhận thấy rằng việc ôm chặt bé, đặc biệt là khi bé có thể nghe được nhịp tim của họ, hoặc địu bé cũng giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Nhiều bé khác lại cảm thấy việc bị quấn trong chăn hoặc ôm chặt quá ngộp ngạt và phản ứng tích cực hơn với những cách dỗ dành khác như đung đưa hoặc hát cho bé nghe.

Tìm một âm thanh đều đều

Khi còn nằm trong bụng mẹ, bé có thể nghe thấy nhịp tim của bạn, đó cũng chính là lý do bé rất thích được mẹ ôm sát vào cơ thể. Có một vài âm thanh khác tương tự như nhịp tim có tể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn như tiếng đồng hồ, nhạc êm địu hoặc nhạc garbha sanskar mà bạn thường nghe khi mang thai.

Bạn cũng có thể tải những tiếng ồn trắng (white noise) hoặc một ứng dụng tiếng ồn trắng trên điện thoại của mình. Đây là những âm thanh tương tự như âm thanh trong tử cung và có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Đung đưa bé

Những em bé rất thích được đung đưa nhẹ nhàng. Bạn có thể:

  • Đi vòng vòng trong khi đung đưa bé.
  • Ngồi với bé trong một chiếc ghế bập bênh.
  • Cho bé đi dạo trong xe đẩy.
  • Thử mát-xa hoặc xoa bụng bé.
  • Dùng dầu mát-xa để xoa lưng hoặc bụng bé một cách nhẹ nhàng.

Thử một tư thế cho bú khác

Nhiều bé thường khóc trong hoặc sau khi bú. Nếu bạn đang cho bé bú sữa mẹ, hãy thử một tư thế cho bú mới để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn trong khi bú.

Nếu bé bị đau bụng đầy hơi trong khi bú, hãy thử cho bé bú trong một tư thế thẳng đứng hơn. Vỗ ợ hơi cho bé sau khi bú. Nếu bé khóc ngay lập tức sau khi được cho bú xong, có thể bé vẫn còn đói.

Cho bé bú, mút một thứ gì đó

Nhu cầu bú, mút của trẻ sơ sinh là rất cao. Bú, mút ngón tay hoặc núm vú giả có thể giúp bé dễ chịu hơn. Việc này cũng giúp ổn định nhịp tim của bé, giúp bé thư giãn và dễ ngủ hơn.

Cho bé tắm nước ấm

Tắm nước ấm có thể giúp bé bình tĩnh và cảm thấy thoải mái hơn. Đừng quên kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho bé. Nhưng hãy nhớ rằng việc này có thể khiến bé khóc nhiều hơn nếu bé ghét tắm. Dần dần, bạn sẽ hiểu được bé thích gì và ghét gì.

cho bé tắm nước ấm

Đừng đòi hỏi bản thân mình quá cao

Khóc liên tục sẽ không gây hại gì cho bé. Nhưng nó có thể khiến bạn và cả gia đình bị căng thẳng và lo lắng. Nếu đã làm hết mọi cách mà bé vẫn không nín, bạn sẽ cảm thấy rất khổ sở và thất vọng với bản thân mình. Nhưng hãy nhớ rằng bạn không phải là nguyên nhân khiến cho bé khóc, do đó đừng tự trách bản thân mình quá nhiều.

Xem thêm: Phân biệt nguyên nhân trẻ hay khóc đêm