Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy những đứa trẻ được bố mẹ đút ăn bằng thìa sẽ có khả năng bị béo phì cao hơn những trẻ được cho phép tự ăn.
Những nhà nghiên cứu tại Đại học Swansea đã tiến hành so sánh cân nặng giữa những bé được cai sữa bằng cách sử dụng kỹ thuật đút ăn bằng thìa truyền thống và những bé được cai sữa bằng cách sử dụng cách tiếp cận vì trẻ.
Phương phái cai sữa vì trẻ là cách cho trẻ ăn những thức ăn bốc tay thay vì đút trẻ ăn bột bằng thìa. Những người ủng hộ đã duy trì phương pháp này để tạo cho trẻ những thói quen ăn uống tốt, nhưng vẫn không có những bằng chứng rõ ràng chứng minh tác dụng của phương pháp này.
Một nghiên cứu nhỏ của Đại học Nottingham trên 155 trẻ nhỏ được phát hành vào năm 2012 đã cho thấy những trẻ được cho phép tự ăn những thức ăn bốc tay từ khi bắt đầu cai sữa có khả năng ăn uống lành mạnh hơn và có cân nặng hợp lý hơn khi chúng lớn lên hơn là những trẻ được đút ăn bột bằng thìa.
Nghiên cứu hai giai đoạn
Nghiên cứu của Đại học Swansea đã được tiến hành trên 298 trẻ. Ở giai đoạn đầu, người ta kiểm tra cách thức ăn đặc được giới thiệu đến trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 12 tháng, trong khi giai đoạn hai nghiên cứu cân nặng và hành vi ăn uống của chính những trẻ đó trong độ tuổi từ 18 đến 24 tháng.
Phương pháp cai sữa cho trẻ được phân chia khá cân bằng giữa những trẻ trong nghiên cứu, với 54,7% được cai sữa bằng cách tiếp cận vì trẻ và 45,3% được cai sữa bằng cách đút ăn bằng thìa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ được cai sữa bằng cách tiếp cận vì trẻ có khả năng ngừng ăn tốt hơn khi no, ít có khả năng ăn quá mức và không khó chịu trong khi ăn hơn những trẻ được đút ăn bằng thìa.
Những trẻ được áp dụng phương pháp vì trẻ cũng ít có khả năng bị béo phì hơn những trẻ được đút ăn bằng thìa.
Các nhà nghiên cứu cho biết những kết quả này hoàn toàn độc lập với những yếu tố khác như tình trạng của mẹ, cân nặng lúc mới sinh, tuổi cai sữa và quá trình bú sữa mẹ.
Kiểm soát sự thèm ăn tốt hơn
Amy Brown, một trong những nhà nghiên cứu của dự án, cho biết trong một tuyên bố: “Nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng cách tiếp cận vì trẻ để cai sữa cho trẻ có thể làm giảm nguy cơ bị béo phì vì trẻ có thể kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào cơ thể.
Điều này dẫn đến việc trẻ có khả năng kiểm soát được sự thèm ăn của mình tốt hơn. Điều này sẽ có tác động lâu dài đến sự tăng cân và cách ăn uống mà trẻ sẽ tiếp tục trong suốt tuổi thơ của mình.”
“Bệnh béo phì ở trẻ em là một trong những nỗi lo lớn nhất ở Anh và có rất nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe cũng như xã hội. Trong khi có rất nhiều yếu tố đóng góp cho hiện trạng này, người ta ngày càng nhận ra rằng cách cho trẻ ăn cũng ảnh hưởng sự thèm ăn và cách ăn uống của trẻ sau này.”
“Cách cho ăn theo phản ứng, nghĩa là cho phép trẻ tự kiểm soát sự thèm ăn của mình và không ép trẻ ăn nhiều hơn lượng thức ăn trẻ cần, là một bước vô cùng quan trọng trong việc khuyến khích trẻ phát triển những thói quen ăn uống lành mạnh sau này.”
Cần nghiên cứu nhiều hơn
Những nhà nghiên cứu cho rằng nghiên cứu này cũng có rất nhiều điểm hạn chế. Đầu tiên, những bậc cha mẹ được tham gia vào dự án đều được “tự tuyển chọn”, nghĩa là họ tình nguyện tham gia vào dự án này.
Nghiên cứu cũng phụ thuộc vào báo cáo của cha mẹ về cân nặng và thói quen ăn uống của trẻ hơn là những phương pháp đo lường khách quan được tiến hành trong những điều kiện y tế đạt chuẩn.
Họ kết luận rằng cần có những nghiên cứu sâu rộng hơn nữa để khẳng định những kết quả nghiên cứu này.
“Cai sữa là một lĩnh vực nguyên cứu đầy thử thách vì nó có sự khác biệt rất rộng giữa các gia đình, các nền văn hóa và các thế hệ trong việc giới thiệu thức ăn đặc đến trẻ.”
Bác sĩ Colin Michie, chủ tịch Hội đồng Dinh dưỡng của Đại học Hoàng gia Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em
“Rõ ràng là chúng ta cần nghiên cứu nhiều hơn nữa về việc cai sữa cho trẻ, vì vậy dự án nghiên cứu này hoàn toàn được hoan nghênh. Nó cho thấy rằng việc cho trẻ tự chọn cai thức ăn và tốc độ ăn cũng có những lợi ích nhất định. Quan trọng hơn hết, phương pháp cai sữa này cũng gắn liền với cân năng lành mạnh của trẻ và giúp giảm lo lắng cho các bà mẹ.”
Xem thêm: Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng qua chế độ ăn uống hàng ngày