Trẻ sơ sinh thế nào là bình thường? (Phần 2)

Quan sát mặt của trẻ sơ sinh

Mặt

Mặt của trẻ sơ sinh trông có vẻ hơi húp bởi dịch tích tụ và cả quá trình đè ép khó nhọc qua đường sinh của mẹ. Vẻ ngoài của khuôn mặt bé thường thay đổi nhiều trong suốt vài ngày đầu vì trẻ thải bớt lượng dịch, nước thừa và giảm dần chấn thương do lọt lòng mẹ.

Đó là lý do vì sao những bức hình của bé khi ở nhà sau này thường khác nhiều so với những bức ảnh khi bé mới chào đời.

Quan sát mặt của trẻ sơ sinh

Trong một vài trường hợp thì nét mặt của trẻ sơ sinh có thể bị biến dạng hoàn toàn do vị trí, tư thế bé nằm trong tử cung và tình trạng ép chèn qua đường sinh của mẹ.

Tuy vậy, bạn chớ nên lo lắng – tai bị gập, mũi bị tẹt, hoặc hàm bị vẹo thường sẽ trở lại bình thường sau một thời gian thôi.

Mắt

Sau khi lọt lòng mẹ vài phút thì hầu hết trẻ sơ sinh đều mở mắt và bắt đầu nhìn quanh quẩn. Bé có thể nhìn thấy, nhưng ban đầu hầu như không tập trung tốt, điều này lý giải vì sao đôi khi mắt bé có vẻ như nhìn không thẳng hoặc nhìn xéo đâu đó trong suốt 2 đến 3 tháng đầu.

Vì mí mắt của bé bị húp nên một số trẻ sơ sinh có thể không mở to mắt liền được. Khi bế bé, bạn có thể khuyến khích bé mở mắt bằng cách tận dụng “phản xạ cử động” của mắt, bé thường có khuynh hướng mở mắt nhiều hơn khi được bế thẳng đứng.

Đôi khi các ông bố, bà mẹ cũng giật mình khi thấy tròng trắng ở một mắt hay cả hai mắt bé có màu đỏ tươi như máu. Đây là hiện tượng xuất huyết dưới kết mạc, thường xảy ra khi xuất huyết dưới lớp bọc ngoài của nhãn cầu do chấn thương sinh nở.

Hiện tượng không nguy hiểm này cũng giống như vết bầm trên da sẽ mất đi sau một vài ngày, và thường cho thấy mắt trẻ không bị gây tổn hại gì.

Bố mẹ thường tò mò muốn biết con mình có màu mắt gì. Nếu mắt bé có màu nâu lúc mới sinh thì sau này vẫn thế. Trường hợp này đối với hầu hết trẻ sơ sinh da đen và châu Á.

Phần lớn trẻ sơ sinh da trắng lúc chào đời có màu mắt xanh-xám, nhưng màu mống mắt (phần có màu của mắt) có thể dần chuyển thành đen, thường trở thành màu mắt vĩnh viễn mãi đến khi bé khoảng 3 đến 6 tháng tuổi.

Tai

Giống như những nét đặc trưng khác, tai của trẻ sơ sinh có thể bị biến dạng do tư thế của bé nằm trong tử cung.

Vì lớp sụn dày tạo hình dạng cứng cáp cho tai bé chưa phát triển hoàn thiện nên tai trẻ cũng có thể bị gấp hoặc bị biến dạng tạm thời.

Nếu thấy ở một bên mặt ngay trước tai bé có xuất hiện nhiều đốm thịt thừa nhỏ hoặc nhiều lỗ nhỏ trên da thì cũng hoàn toàn bình thường. Thông thường thì những đốm thịt thừa này cũng dễ dàng cắt bỏ được (hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé).

Mũi

Vì trẻ sơ sinh thường có khuynh hướng thở bằng mũi và lỗ mũi của bé rất hẹp, nên một lượng nhỏ dịch mũi hoặc nước nhầy có thể làm cho bé thở khò khè hoặc nghe như bị nghẹt mũi thậm chí khi bé không bị cảm lạnh hoặc bị một bệnh nào khác.

Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng dung dịch nước muối nhỏ mũi và ống bơm mũi để làm sạch lỗ mũi bé nếu cần thiết.

Hắt hơi cũng là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh. Đây là một phản xạ bình thường và không phải do một chứng nhiễm trùng, dị ứng, hoặc bất cứ chứng bệnh nào khác.

Miệng

Khi trẻ sơ sinh há miệng ra ngáp hoặc khóc, bạn có thể thấy một vài đốm trắng nhỏ trên vòm miệng của bé, thường ở gần giữa miệng.

Những tế bào nhỏ này được gọi là mụn đầu trắng, cùng với những nang chứa dịch đôi khi nằm ở vùng nướu răng, sẽ biến mất trong một vài tuần đầu.

Cổ

Thông thường thì cổ của trẻ sơ sinh trông rất ngắn bởi đôi má phúng phính và những nếp gấp da của bé có thể làm che mất đi phần cổ.

trẻ sơ sinh thế nào là bình thường

Ngực

Vì thành ngực của trẻ sơ sinh rất mỏng nên bạn có thể dễ dàng sờ hoặc quan sát thấy phần ngực trên của bé cử động với từng nhịp tim. Điều này cũng bình thường thôi và không có gì khiến bạn phải lo lắng cả.

Ngoài ra, cả bé trai và bé gái sơ sinh đều có thể phồng nở ngực. Đây là do hooc-môn động dục nữ estrogen được truyền từ mẹ đến thai nhi trong suốt quá trình thai nghén.

Bạn có thể thấy nhiều bướu mô cứng, có hình đĩa dưới núm vú bé, và thỉnh thoảng cũng có một chút dịch trắng đục tiết ra ở núm vú. Hiện tượng phồng nở ngực hầu như biến mất trong suốt một vài tuần đầu.

Bạn không nên siết ép mô ngực – nó sẽ chẳng làm ngực săn lại nhanh hơn chút nào so với quá trình tự nhiên của nó đâu, dẫu rằng một số ông bố, bà mẹ vẫn tin vào việc này.

Chân và tay

Sau khi lọt lòng mẹ, trẻ đủ tháng thường có hình dáng và tư thế giống với tư thế  nằm trong tử cung chật hẹp của mẹ: chân, tay gập lại và giữ chặt về trước cơ thể.

Hai bàn tay của bé nắm rất chặt, và bạn khó có thể mở được tay bé ra bởi khi chạm hoặc đặt vào lòng bàn tay trẻ một vật gì đó thì trẻ kích thích phản xạ nắm tay chặt lại.

Móng tay

Móng tay của trẻ sơ sinh lúc chào đời cũng có thể dài đủ để cào xước da trẻ khi đưa tay lên mặt. Trong trường hợp này, bạn có thể cắt tỉa móng tay cho bé một cách cẩn thận bằng cây kéo nhỏ nhé. 

Đôi khi nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy lo lắng bởi chân và bàn chân của bé bị cong. Nhưng nếu bạn nhớ lại tư thế nằm bình thường của trẻ trong tử cung vào những tháng cuối của thai kỳ xem – trẻ gập hông và đầu gối; cẳng chân và bàn chân bắt chéo chặt thật khít với bụng – thế nên chẳng ngạc nhiên gì khi thấy chân và bàn chân của trẻ thường hay bị cong hướng vào trong.

Bạn cũng thường có thể nắn bàn chân và cẳng chân của trẻ vào tư thế “đi bộ” được; và điều này sẽ dễ dàng và hoàn toàn phát triển tự nhiên khi trẻ bắt đầu có trọng lượng, biết đi, và phát triển từ 2 đến 3 năm đầu.

Bụng

Bụng của trẻ thường hơi tròn và đầy đặn. Khi bé kêu khóc hoặc cố sức, bạn có thể thấy lớp da ở giữa bụng nhô lên giữa các dải mô cơ tạo nên thành bụng ở cả hai bên. Điều này hầu như luôn biến mất trong một vài tháng khi trẻ lớn lên.

Nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng về vẻ ngoài và cách chăm sóc cho dây rốn của trẻ. Dây rốn gồm 3 mạch máu (2 động mạch và 1 tĩnh mạch) được quấn bọc bằng chất giống như thạch.

Sau khi sinh, dây rốn của bé được kẹp hoặc cột chặt lại trước khi cắt để tách trẻ với nhau thai. Cuống rốn sau đó khô và rụng đi, thường khoảng từ 10 ngày đến 3 tuần.

Bạn cũng có thể được hướng dẫn cách lau vùng rốn của bé định kỳ:

  • Vệ sinh vùng rốn của bé bằng cồn hoặc rửa sạch vùng rốn bằng xà phòng và nước.
  • Chớ nhấn chìm vùng rốn của trẻ sơ sinh trong nước khi cho bé tắm trước khi rụng cuống rốn

Dây rốn khô sẽ đổi màu, từ vàng sang nâu hoặc đen – điều này hoàn toàn bình thường đối với trẻ. Nếu thấy vùng rốn của bé bị đỏ; có mùi thối hoặc chảy mủ thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay nhé.

Thoát vị rốn

Thoát vị rốn cũng là chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là những trẻ gốc châu Phi. Tại vùng dây rốn trên thành bụng có một lỗ làm cho ruột của bé phồng to ra khi bé kêu khóc hay cố sức, làm cho lớp da trên cùng phồng ra ngoài.

Chứng thoát vị rốn này thường không gây hại hay đau đớn gì cho trẻ. Đa số đều tự lành trong vài năm đầu, nhưng nếu rốn bé vẫn còn lồi thì người ta cũng có thể chữa lành bằng một ca phẫu thuật đơn giản thôi.

Chớ  nên thử các phương thuốc gia đình dùng để chữa chứng lồi rốn cho trẻ nhiều năm qua như là băng và quấn đồng xu lên vùng thoát vị nhé.

Các kỹ thuật này không những không có hiệu quả mà còn có thể gây nhiễm trùng da hoặc các chân thương khác cho bé nữa.

Xem thêm:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *