Bắt nạt là gì?
Bắt nạt là một kiểu hành vi gây gổ, lặp đi lặp lại, dai dẳng hướng vào một cá nhân hay những cá nhân một cách có chủ định nhằm gây nên nỗi sợ hãi và căng thẳng và/hoặc tổn hại đối với cơ thể, cảm xúc, lòng tự trọng, hoặc thanh danh của người khác. Xảy ra trong hoàn cảnh khi có sự mất cân bằng thực sự hay nhận thức được về sức mạnh.
Học sinh bắt nạt là đối tượng sử dụng sức mạnh để kiểm soát hoặc gây hiểm nguy cho những học sinh khác. Học sinh bị bắt nạt ngày càng trở nên yếu đuối hơn và thấy mình bị trói chặt trong những mối quan hệ mà các em bị ngược đãi.
Hành vi bắt nạt sử dụng sức mạnh theo nhiều cách:
- Kích thước, sức mạnh, trí tuệ, tuổi
- Vị thế xã hội
- Vị thế kinh tế
- Biết điểm yếu của người khác
- Thành viên của một nhóm thống trị
Các kiểu hành vi bắt nạt
Về mặt thể chất
Đấm, đá, xô, đánh, lấy trộm hay gây thiệt hại tài sản của người khác lặp đi lặp lại nhiều lần
Về mặt ngôn từ
Gọi tên, bắt chước, làm nhục, chòng ghẹo, đe dọa, bình phẩm phân biệt, và quấy rối tình dục lặp đi lặp lại nhiều lần
Về mặt xã hội
Liên tục đảo mắt, loại những học sinh khác ra khỏi nhóm, ngồi lê đôi mách, lan truyền tin đồn, khiến người khác hay những người khác trông ngớ ngẩn, và làm tổn thương tới các mối quan hệ bạn bè của người khác
Về mặt điện tử/mạng
Liên tục sử dụng email, điện thoại di dộng, tin nhắn, internet, và trang web để đe dọa, quấy rối, gây khó khăn, cách ly về mặt xã hội, hay làm tổn hại thanh danh và các mối quan hệ bạn bè
Chủng tộc
- Nhiều lần gây gổ, ngăn chặn, hay bình phẩm chê bai hướng vào một người hay những người khác vì khác biệt về chủng tộc hay sắc tộc hay nền văn hóa;
- Nhiều lần gọi tên người hay những người, hay chế nhạo vì khác biệt chủng tộc hay sắc tộc hay nền văn hóa.
Tôn giáo
- Nhiều lần gây gổ, ngăn chặn hay bình phẩm chê bai hướng vào một người hay những người vì khác biệt về tín ngưỡng tôn giáo, tri thức, cách ăn mặc hay sự kính trọng;
- Nhiều lần gọi một người hay những người bằng tên hay chế nhạo vì khác biệt về tín ngưỡng tôn giáo, tri thức, cách ăn mặc hay sự kính trọng.
Giới tính
- Nhiều lần để một người hay những người khác ở bên ngoài hay đối xử tồi tệ với họ do khác biệt về giới tính hay đính hướng giới tính;
- Nhiều lần đưa ra những lời lẽ thô thiển về hành vi giới tính của một người hay những người khác;
- Nhiều lần đưa ra những lời lẽ hay kể chuyện cười mang tính dâm ô, đụng chạm hay nắm lấy người khác theo cách gợi dục;
- Nhiều lần bàn tán tin đồn tình dục về một người hay nhiều người khác;
- Nhiều lần gọi một người hay nhiều người khác là đồng tính nam, đồng tính nữ, hay bằng những cái tên không thích hợp khác.
Tình trạng khuyết tật
- Nhiều lần ngăn cản một người hay nhiều người khác, hay đối xử với họ tồi tệ do tình trạng khuyết tật, tình trạng khuyết tật nhận biết được, hay nhu cầu về giáo dục đặc biệt;
- Nhiều lần đưa ra bình luận hay chuyện cười để xúc phạm đến một người hay nhiều người khác có khuyết tật.
Cần phải làm gì nếu con bạn đang bị bắt nạt?
- Hãy nói chuyện với con bạn để lấy được thông tin và hiểu rõ về cuộc sống của trẻ;
- Lắng nghe mô tả của trẻ về hoạt động trong ngày, bao gồm đến trường và về nhà và bất cứ sự kiện nào diễn ra trong trường;
- Nói chuyện với giáo viên hoặc hiệu trưởng của con bạn nếu bạn nghĩ rằng con bạn đang bị bắt nạt;
- Khích lệ con bạn nói chuyện với một người lớn tin cậy ở trường mà người đó có thể giúp ngăn chặn tình trạng bắt nạt;
- Khích lệ con bạn hãy tự lập, và cố không phải bảo vệ quá mức cần thiết;
- Dạy con bạn cách kết bạn mới, luôn cảnh giác với môi trường xung quanh mình và hãy quyết đoán;
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vào thời gian rảnh rỗi để nâng cao sự tự tin;
- Nhờ giúp đỡ nếu bạn lo lắng về sức khỏe tinh thần của con bạn.
Làm gì nếu con bạn đang đi bắt nạt người khác?
- Hãy coi trọng vấn đề;
- Nói chuyện với con bạn về hành vi, luôn lưu ý rằng trẻ em hay đi bắt nạt thường đổ lỗi cho những người khác;
- Nói với con bạn rằng bạn sẽ không chấp nhận kiểu hành vi này và sẽ áp dụng hình thức kỷ luật phi bạo lực tương ứng với mức độ nghiêm trọng của những gì mà con bạn đã làm;
- Thảo luận về tác động xấu mà hành vi này gây ra cho những người khác;
- Khen ngợi, hoặc thể hiện sự tử tế với những người khác để cho trẻ thấy rằng bạn trân trọng hành vi quan tâm tới người khác;
- Dạy trẻ biết cách giải quyết xung đột mà không dùng những lời lẽ hay hành động xúc phạm;
- Không để trẻ chứng kiến hành vi bạo lực giữa các thành viên trong gia đình;
- Dành thời gian với con bạn, đặc biệt là cùng nhau tham gia các hoạt động và tránh những cảnh tượng bạo lực hay gây gổ trên phương tiện truyền thông;
- Tăng cường sự giám sát của bạn khi con bạn vui chơi với bạn bè và can ngăn những trường hợp gây gỗ giữa những trẻ cùng trang lứa;
- Nói chuyện với giáo viên hoặc hiệu trưởng của con bạn nếu bạn nghĩ rằng con bạn gặp khó khăn khi nhận trách nhiệm đối với hành vi của mình;
- Nhờ giúp đỡ nếu bạn lo lắng về sức khỏe tinh thần của con bạn.
>>> Xem thêm: Cách dạy bé không bắt nạt người khác
Cần phải làm gì nếu con bạn là người đứng ngoài sự việc bắt nạt?
- Dạy trẻ biết cách thông cảm với nạn nhân (thấu hiểu được những cảm giác của nạn nhân);
- Giúp trẻ hiểu rằng có sự khác nhau giữa các hành vi “mách lẻo” và “khai báo”;
- Đi cùng trẻ đến gặp giáo viên hoặc hiệu trưởng để khai báo những gì trẻ đã nhìn thấy;
- Dạy cho trẻ cách sát cánh cũng những đứa trẻ khác để bảo vệ nạn nhân của tình trạng bắt nạt;
- Giải thích về những tác động xấu về mặt xã hội trong một thời gian dài mà đứa trẻ bị bắt nạt có thể sẽ gặp phải nếu tình trạng bắt nạn không dừng lại;
- Khuyến khích con bạn kết bạn với những đứa trẻ biết tôn trọng và tử tế với những người khác và chấm dứt mối quan hệ với những đứa trẻ hay làm tổn thương người khác;
- Làm gương về lòng tốt và sự can đảm.