Tìm hiểu về chứng ngưng thở ở trẻ sinh non

Điều trị chứng ngưng thở ở trẻ sinh non

Sau khi ra đời, trẻ sơ sinh thường phải thở liên tục mới đủ ô-xy. Đối với trẻ sinh non, một phần hệ thần kinh trung ương (não và tuỷ sống) có nhiệm vụ kiểm soát chu kỳ hô hấp vẫn chưa được hoàn thiện đủ để đáp ứng nhu cầu thở liên tục của trẻ. Điều này làm cho trẻ thở nhiều, dồn dập sau nhiều đợt thở không sâu hoặc ngừng thở hẳn. Trong y khoa, đây được gọi là chứng ngưng thở ở trẻ sinh non (AOP).

chứng ngưng thở ở trẻ sinh non

Chứng ngưng thở ở trẻ sinh non là gì?

Chứng ngưng thở ở trẻ khá phổ biến đối với trẻ sinh thiếu tháng. Các bác sĩ thường chẩn đoán bệnh này trước khi mẹ và bé xuất viện, và hiện tượng ngưng thở này thường sẽ tự hết khi bé lớn lên. Một khi đã hết thì nó không bao giờ tái phát. Nhưng tất nhiên là chứng bệnh này rất đáng sợ khi đang xảy ra.

“Ngưng thở” là thuật ngữ y khoa cho thấy tình trạng trẻ dừng thở. Hầu hết các chuyên gia đều định nghĩa chứng ngưng thở ở trẻ sinh non là một bệnh lý mà trong đó trẻ sinh thiếu tháng ngừng thở trong vòng từ 15 đến 20 giây khi ngủ.

Thông thường thì trẻ sinh ở tuần thai 35 trở xuống đều bị ngưng thở hoặc nhịp tim giảm ở những thời điểm nào đó. (Thuật ngữ y học chỉ tình trạng nhịp tim chậm là bradycardia – nhịp tim chậm). Hiện tượng hô hấp bất thường này có thể bắt đầu sau khi sinh 2 ngày và kéo dài đến 2 – 3 tháng. Trẻ sơ sinh càng nhẹ ký và thiếu tháng thì càng dễ mắc chứng ngưng thở (AOP) này nhiều hơn.

Mặc dù trẻ sơ sinh nào cũng có lúc ngưng thở và tim ngừng đập – chuyện đó cũng bình thường thôi, nhưng đối với trẻ bị AOP có nhịp tim dưới 80 nhịp/phút thì có thể làm cho chúng trở nên xanh xao hoặc nhợt nhạt. Ngoài ra, trẻ cũng có thể mệt rũ và hơi thở trở nên khò khè khó chịu. Sau đó có thể là chúng bắt đầu tự thở lại được hoặc nhờ tác động bên ngoài mới có thể thở trở lại.

Phân biệt ngưng thở AOP và thở chu kỳ

Không nên nhầm lẫn AOP và thở chu kỳ, cũng thường hay thấy ở trẻ sinh non. Người ta dễ dàng nhận thấy thở chu kỳ là sự ngưng thở kéo dài chỉ một vài giây và được theo sau bởi một vài hơi thở nhanh và không sâu.

Thở chu kỳ không kèm theo thay đổi sắc mặt (chẳng hạn như nhợt nhạt quanh vùng miệng) và nhịp tim giảm. Trẻ thở chu kỳ có thể tự thở lại đều đặn. Mặc dù có thể làm người ta sợ nhưng chứng thở chu kỳ này thường không gây ra bất kỳ vấn đề nào khác đối với trẻ sơ sinh.

Điều trị chứng ngưng thở ở trẻ sinh non

Hầu như lúc nào trẻ sinh non (nhất là trẻ sinh dưới 34 tuần thai) cũng được điều trị và chăm sóc chứng ngưng thở ở trẻ sinh non này ở phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh của bệnh viện (NICU).

Khi chào đời, nhiều trẻ sinh thiếu tháng này phải được hỗ trợ mới có thể thở được bởi phổi của trẻ quá yếu đến nỗi không thể tự thở một mình được.

Các thiết bị hỗ trợ thở

– Máy thở

Máy hô hấp nhân tạo (máy thở). Trong quá trình thở cơ học thì (ống khí) khí quản của trẻ được đặt một ống và người ta sẽ thổi những làn hơi vào phổi bé qua ống này. Các hơi thở này được đặt ở một áp suất nhất định.

Máy hô hấp nhân tạo này cũng được lập trình để có số lần thở nhất định nào đó trong một phút, và hơi thở, nhịp tim và lượng ô-xy của trẻ được theo dõi liên tục.

Đôi khi trẻ bị ngưng thở do sinh thiếu tháng được sử dụng thuốc để giúp cho phổi hoàn thiện hơn và có thể ngừng thở cơ học (ngưng sử dụng máy thở nhân tạo) trong vòng một vài tuần và tự thở một mình.

– Máy CPAP

Phương pháp thở CPAP còn được gọi là thờ áp lực dương liên tục (áp suất đường thở dương liên tục). Khi trẻ không còn thở cơ học nữa thì chúng thường đòi hỏi phải có một phương pháp thở hỗ trợ có tên là áp lực đường thở dương liên tục qua mũi (CPAP).

Thiết bị CPAP mũi này gồm một ống lớn và nhiều ống nhánh nhỏ có thể đặt vừa vặn vào mũi của trẻ, kết nối với máy cung cấp không khí được ô-xy hoá vào đường thở và phổi.

Áp suất của máy CPAP có thể giữ cho phổi của trẻ sinh thiếu tháng mở nên trẻ có thể thở được. Tuy nhiên, máy này không cung cấp hơi thở cho trẻ nên chúng đều phải tự thở một mình.

Điều trị chứng ngưng thở ở trẻ sinh non

Theo dõi hơi thở của bé tại bênh viện

Khi trẻ sinh thiếu tháng không sử dụng máy thở cơ học và tự thở một mình – dù có hay không có máy CPAP mũi – thì chúng cũng được theo dõi liên tục để xem có dấu hiệu ngưng thở nào không.

Thiết bị theo dõi tim – phổi

Thiết bị theo dõi tim – phổi cũng theo dõi được nhịp tim của trẻ sơ sinh. Chuông báo động trên thiết bị theo dõi này phát tín hiệu nếu phát hiện không có hơi thở nào trong một số giây nhất định nào đó.

Khi thiết bị theo dõi này báo động thì y tá ngay lập tức sẽ kiểm tra bé xem có dấu hiệu nào nguy kịch không. Trường hợp báo động giả không phải là hiếm thấy.

Sơ cứu khi trẻ ngừng thở

Nếu trong vòng 15 giây mà trẻ không bắt đầu thở trở lại thì y tá sẽ chà xát lên lưng, cánh tay, hoặc cẳng chân của trẻ để kích thích trẻ thở. Hầu như lúc nào cũng vậy trẻ bị ngưng thở do sinh thiếu tháng sẽ bắt đầu tự thở lại với kiểu kích thích này.

Tuy nhiên, nếu y tá đã xử lý mà trẻ vẫn chưa có thể bắt đầu tự thở lại được và trở nên xanh xao nhợt nhạt thì có thể cho trẻ sử dụng túi ô-xy cầm tay hoặc mặt nạ ô-xy.

Y tá hoặc bác sĩ sẽ chụp mặt nạ lên mặt trẻ và bơm túi hơi từ từ một vài lần vào phổi trẻ. Thông thường thì chỉ cần một vài lần bơm là bé có thể bắt đầu tự thở lại được.

AOP có thể xảy ra một lần hoặc nhiều lần trong ngày. Bác sĩ sẽ khám cẩn thận cho con bạn để chắc rằng chứng ngưng thở không phải là do một chứng bệnh nào khác gây ra, chẳng hạn như là nhiễm trùng.

Nếu trẻ bắt đầu bộc phát nhiều cơn ngừng thở thì chúng có thể được sử dụng thuốc qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để kích thích vùng não kiểm soát hô hấp của trẻ. Biện pháp này thường làm giảm số lần ngưng thở ở trẻ sơ sinh.

Theo dõi trẻ tại nhà

Sử dụng thiết bị theo dõi ngừng thở

Mặc dù là hầu hết trẻ sinh thiếu tháng đều không còn các cơn ngưng thở khi xuất viện về nhà nhưng một vài bé sẽ vẫn còn. Trong những trường hợp này thì nếu bác sĩ cho là cần thiết thì bé sẽ được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt của trẻ sơ sinh (NICU) với thiết bị theo dõi ngưng thở.

Thiết bị theo dõi ngưng thở có hai phần chính:

  • Một dây đai có gắn dây cảm biến mà trẻ sẽ mang quanh ngực
  • Một thiết bị theo dõi có gắn chuông (còi) báo.

Các thiết bị cảm biến có tác dụng đo cử động ngực và nhịp thở của em bé trong khi đó máy theo dõi liên tục ghi lại các nhịp thở này.

Trước khi trẻ xuất viện về nhà, nhân viên NICU (nhân viên phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh ở bệnh viện) sẽ cùng bạn kiểm tra kỹ lưỡng máy theo dõi lại và hướng dẫn chi tiết cho bạn cách thức sử dụng và khi nào sử dụng nó, đồng thời cũng chỉ cho bạn cách phản ứng với chuông báo như thế nào.

Huấn luyện cách xử lý khi bé ngừng thở

Cả bố mẹ lẫn người chăm trẻ cũng sẽ được huấn luyện cách hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh, mặc dù có thể là họ sẽ chẳng bao giờ sử dụng đến.

Nếu trẻ ngừng thở hoặc mặt của trẻ có vẻ xanh xao hoặc nhợt nhạt thì bạn nên làm theo hướng dẫn của nhân viên NICU đã chỉ cho bạn.

Thông thường thì bạn sẽ vận dụng một số kỹ thuật kích thích nhẹ nhàng và nếu như trẻ cũng không thở lại được thì bạn nên bắt đầu hô hấp nhân tạo cho bé và gọi số cấp cứu. Xin nhớ rằng, đừng bao giờ lay hoặc lắc cho bé tỉnh dậy nhé.

Giữa liên lạc với nhân viên y tế

Có thể là rất căng thẳng khi sử dụng máy theo dõi ngưng thở để chăm sóc trẻ ở nhà. Một số bố mẹ cảm thấy rất sợ hãi khi tự mình theo dõi máy, thậm chí là khi đi tắm hoặc đi ra ngoài sân.

Thường thì dần dần các bậc bố mẹ sẽ thoải mái hơn. Nếu cùng tâm trạng này thì bạn có thể chia sẻ cới nhân viên NICU. Họ có thể đảm bảo cho bạn và thậm chí còn giúp bạn liên lạc với nhiều bố mẹ có con sinh thiếu tháng khác đã trải qua tình huống tương tự như bạn.

Bác sĩ sẽ quyết định thời gian cho bé đeo thiết bị theo dõi, vì vậy bạn nên đảm bảo rằng cần phải đặt câu hỏi nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc mối quan tâm nào.

Theo dõi trẻ tại nhà

Hiểu rõ về chứng ngưng thở ở trẻ

Chứng ngưng thở có thể tự hết

Chứng ngưng thở ở trẻ sinh non thường có thể tự hết dần. Đối với hầu hết các trẻ sinh thiếu tháng thì có nghĩa là AOP sẽ hết ở vào khoảng tuần thứ 44 sau khi thụ thai.

Thời gian sau khi thụ thai được định nghĩa là tuổi thai kỳ (bao nhiêu tuần thai ở thời điểm sinh) cộng với thời gian sau khi sinh (bao nhiêu tuần tuổi từ khi sinh). Trong một số trường hợp hiếm thấy thì chứng AOP có thể còn dai dẳng thêm một vài tuần nữa.

Chứng ngưng thở không gây di chứng về sức khỏe

Những trẻ sơ sinh khỏe mạnh đã từng bị AOP thường không gặp rắc rối về vấn đề sức khỏe hoặc các vấn đề về phát triển nhiều hơn các đứa trẻ khác. Chứng ngưng thở ở trẻ sinh non không gây tổn thương não. Trẻ khỏe mạnh đã hết bị ngưng thở trong một tuần sẽ có thể chẳng bao giờ bị AOP tái phát.

Mặc dù hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) xảy ra nhiều hơn ở trẻ sinh thiếu tháng nhưng người ta vẫn chưa chứng minh được mối liên hệ giữa AOP và SIDS.

Học cách tiếp xúc với con

Ngoài chứng AOP, thì nhiều biến chứng khác ở trẻ sinh non cũng có thể làm cho bạn hạn chế thời gian và tiếp xúc với con.

Tuy vậy, bạn có thể tiếp xúc, làm thân với con trong NICU. Bạn nên tham khảo ý kiến của nhân viên NICU xem kiểu tiếp xúc nào với con là tốt nhất, ôm ấp, cho bú, vuốt ve, hay chỉ là nói chuyện nhẹ nhàng với bé thôi.

Nhân viên NICU không chỉ được huấn luyện để chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng mà còn có nhiệm vụ hỗ trợ và làm cho bố mẹ tin tưởng nữa.