Bệnh Celiac là gì?
Bệnh Celiac là một bệnh đường tiêu hóa do không dung nạp gluten trong thức ăn. Gluten là protein có trong các thực phẩm làm từ bột mì, lúa mạch hay yến mạch như bánh mì, mì sợi, mì ống…
Khi trẻ bị bệnh Celiac ăn phải những thực phẩm chứa gluten, ống ruột non của trẻ sẽ có phản ứng miễn dịch gây tổn thương lớp nhung mao trên bề mặt ruột. Lớp nhung mao này đảm đương việc hấp thụ các loại vitamin, khoáng chất và nhiều chất dinh dưỡng khác từ thức ăn. Do vậy ruột không còn khả năng hấp thụ được các chất dinh dưỡng như mỡ, vitamin, khoáng chất, protein,…và chúng bị đào thải ra ngoài qua phân, dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng.
Bệnh Celiac có thể dẫn đến rất nhiều triệu chứng khác nhau ở những người khác nhau. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể tăng cân và chiều cao như mong muốn. Ở những trẻ lớn hơn, bệnh này có thể gây ra tiêu chảy, đau bụng và sưng phù, sút cân, mệt mỏi hoặc phát ban. Một vài người bị bệnh Celiac lại không có bất cứ triệu chứng nào.
Các bác sĩ vẫn không thể hiểu rõ nguyên nhân nào lại khiến hệ thống miễn dịch phản ứng với gluten ở những người bị bệnh Celiac. Bệnh Celiac không có cách nào chữa trị cho hết, nhưng các nhà nghiên cứu đang làm việc cật lực để phát triển những viên enzyme giúp tiêu hóa phần độc hại của gluten có thể gây chấn thương đường ruột.
Nhưng nếu con bạn bị bệnh Celiac, vẫn có những cách có thể giúp tối thiểu hóa những triệu chứng và tổn thương đến đường ruột của trẻ.
Triệu chứng của bệnh Celiac
Những triệu chứng của bệnh này có thể xuất hiện tại bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời của trẻ. Một vài đứa trẻ sẽ có những triệu chứng khi lần đầu tiên ăn phải thực phẩm chứa gluten, trong khi những đứa khác lại phát triển triệu chứng trễ hơn sau khi ăn những thực phẩm chứa gluten mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì trong nhiều năm liền.
Dấu hiệu đầu tiên báo hiệu con bạn có thể bị bệnh Celiac có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ bắt đầu được cho ăn thức ăn đặc như ngũ cốc chẳng hạn. Một đứa trẻ bắt đầu ăn những thực phẩm có chứa gluten sẽ có thể bị tiêu chảy hoặc đau bụng, không hoặc kém tăng cân.
Trẻ cũng có thể bị phát ban, đặc biệt là ở vùng da quanh khuỷu tay, mông, và đầu gối. Sau một thời gian, trẻ sẽ có thể bị thiếu máu và đau miệng, và trở nên cáu bẳn, hay quấy khóc, ít chơi đùa.
Nguyên nhân của bệnh Celiac
Ngày nay, nguyên nhân gây ra bệnh Celiac vẫn còn là một bí ẩn của ngành y học. Nó thường được kết nối với các chứng bệnh khác, bao gồm hội chứng Down, hội chứng Williams, rối loạn chức năng tuyến giáp, và thiếu hụt immunoglobulin.
Bệnh Celiac có tính gia đình. Trẻ thừa hưởng xu hướng mắc bệnh này từ cha mẹ. Nếu một thành viên trong gia đình bạn mắc bệnh Celiac, thì khoảng 1/10 thành viên khác trong gia đình của bạn cũng có khả năng mắc bệnh này. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh Celiac, anh chị em, cha mẹ, và ông bà của trẻ cũng nên đi kiểm tra, vì nhiều người có xu hướng không biểu hiện triệu chứng của bệnh này trong một thời gian dài. Bệnh Celiac nếu không được chẩn đoán cũng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho cả người lớn.
Chẩn đoán bệnh Celiac
Việc chẩn đoán bệnh này thường bắt đầu bằng một bài kiểm tra máu đơn giản giúp đo nồng đồ các kháng thể chống lại gluten và các protein khác trong ống ruột. Nếu nồng độ các kháng thể quá cao. bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành sinh thiết ruột non và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra.
Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô bằng cách nhét đèn nội sao thông qua miệng và dạ dày để vào ruột non. Trẻ nhỏ thường sẽ được gây mê khi thực hiện quy trình này.
Thay đổi chế độ ăn uống
Nếu trẻ mắc bệnh Celiac, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn nên tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm nào. Vì những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của gia đình bạn cũng như chế độ ăn của trẻ, bác sĩ sẽ khuyên bạn đến gặp một chuyên gia dinh dưỡng để có những lời khuyên sâu sắc hơn.
Bạn nên loại bỏ lúa mì, lúa mạch và những loại hạt có liên quan khỏi chế độ ăn của trẻ. Nhưng vì không có luật nào bắt buộc nhà sản xuất phải ghi gluten lên nhãn mác thực phẩm nên việc này cũng không phải là một thử thách dễ dàng. Nói chung, nếu con bạn bị bệnh Celiac, bạn nên tránh xa những loại thực phẩm có chứa thành phần piên quan đến gluten như lúa mì, lúa mạch và các sản phẩm lúa mạch đen, bao gồm nhiều loại bánh mì, mì ống, ngũ cốc và các thực phẩm chế biến. Bạn cũng nên tránh cho trẻ ăn ăn yến mạch vì một số sản phẩm yến mạch có thể bị nhiễm gluten của lúa mì. Gluten cũng đôi khi được sử dụng trong thuốc, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn nói với bác sĩ hoặc dược sĩ về bệnh của trẻ trước khi cho trẻ dùng một thuốc mới.
Để tránh các thực phẩm chứa gluten, bạn nên học cách đọc nhãn thành phần và xác định các loại thực phẩm có chứa gluten cũng như phải cẩn thận khi mua thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa, hoặc khi bạn cho trẻ ăn ở bên ngoài. Có thể bạn sẽ phải tìm hiểu một số công thức nấu ăn mới. Để được giúp đỡ, bạn có thể liên hệ với các nhóm hỗ trợ bệnh Celiac. Các nhóm này là nguồn cung cấp thông tin và tư vấn tuyệt vời. Họ sẽ giúp bạn tìm các loại thực phẩm không chứa gluten, những công thức nấu ăn tốt, và có thể cung cấp cho bạn những lời khuyên để giúp trẻ sống chung một cách thành công với bệnh Celiac.