Thoát vị là gì?
Thoát vị là sự phình mô qua một khe hở nào đó của cơ thể, thường xảy ra ở vùng bụng thường xảy ra gần nếp gấp giữa hai chân và bụng. Bạn có thể thấy chỗ lồi hay sưng này dưới da ngay vùng bẹn. Chỗ sưng có thể lan xuống bìu của bé trai hoặc môi âm hộ của bé gái.
Bạn cũng có thể dễ dàng thấy được chỗ thoát vị có lúc sưng có lúc không và bằng cách thay tã hoặc tắm cho bé, bạn có thể đã phát hiện thấy thoát vị bẹn.
Không giống như thoát vị ở người lớn, thoát vị ở trẻ không phải là do cơ bắp yếu gây nên. Ở trẻ, chứng thoát vị bẹn này xảy ra do túi mô ở vùng háng thường khép kín trước khi sinh. Nếu túi mô này không đóng kín hoàn toàn thì chỗ tiếp xúc này vẫn còn tồn tại giữa vùng háng và bụng dưới.
Chất dịch, ruột, hoặc thậm chí là buồng trứng ở nữ cũng có thể sa xuống túi và làm cho nó sưng lên.
Triệu chứng của thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn thường sưng lên hoặc xuất hiện chỗ lồi dưới da ở vùng bẹn mà bạn có thể sờ thấy được. Nhiều trẻ bị thoát vị bẹn cũng có vẻ khỏe khoắn, thoải mái và hoạt động bình thường.
Nhưng một số khác thì nhõng nhẽo hoặc than đau khi tập thể dục. Nếu chỗ lồi bất chợt sưng lên thì bé có thể cảm thấy rất khó chịu, cáu gắt, kêu khóc đau đớn, hoặc chán ăn.
Nếu phần ruột lồi ra bị kẹt trong túi mô, có thể bé sẽ bị đau, ói mửa và chỗ sưng đó có thể bị cứng lên.
Người ta có thể chẩn đoán bệnh thoát vị bẹn như thế nào?
Bác sĩ phẫu thuật sẽ khám cẩn thận vùng bụng và vùng bẹn của trẻ để xác định xem có thoát vị hay không.
Bác sĩ cũng sẽ khám hai bên bởi có thể cả hai bên đều bị thoát vị.
Vì sao cần phải chữa thoát vị bẹn?
Nếu không được chữa trị thì chứng thoát vị bẹn sẽ không tự khỏi. Các hoạt động như chạy, khóc hoặc rặn đi tiêu cũng có thể làm chỗ thoát vị phình to hơn và gây khó chịu cho bé.
Đôi khi thoát vị cũng có thể bị nghẹt hoặc tắc. Tình trạng này có nghĩa là một đoạn ruột, và buồng trứng ở nữ có thể tuột qua lỗ hở rồi bị xoắn lại hoặc kẹt cứng ở đó. Nó làm chặn luồng máu đến cung cấp cho các mô này và gây nhiều tổn thương nghiêm trọng.
Bạn có thể thấy bé bị đau và cũng có thể thấy và sờ được chỗ lồi vừa cứng vừa đau ở vùng bẹn của bé. Nếu trẻ có những triệu chứng đó kèm theo biểu hiện khó chịu không dứt làm bạn không dỗ con được như thường lệ thì hãy gọi điện cho bác sĩ ngay lập tức nhé.
Đây có thể là những triệu chứng thoát vị bị nghẹt. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trẻ bị thoát vị, do đó việc chữa trị chứng thoát vị ngay khi phát hiện ra là một điều hết sức quan trọng.
Thoát vị bẹn được điều trị như thế nào?
Thoát vị bẹn thường được điều trị bằng một cuộc phẫu thuật cùng ngày cho bệnh nhân ngoại trú tại bệnh viện.
Bé sẽ được gây tê toàn thân; có nghĩa là chúng tôi sẽ cho con bạn sử dụng thuốc ngủ, giúp bé không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình làm phẫu thuật.
Nếu con bạn là trẻ sơ sinh thiếu tháng thì bé có thể phải ở lại qua đêm trong bệnh viện để được theo dõi cẩn thận. Cuộc phẫu thuật được thực hiện thông qua một đường cắt rất nhỏ ở vùng bụng dưới.
Nếu trẻ bị thoát vị ở cả 2 bên thì sẽ có 2 đường rạch, mỗi bên 1 đường. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ đẩy nhẹ ruột hay buồng trứng trở lại ruột, rồi khép lại túi mô và bụng dưới.
Các vết rạch được khâu lại bằng những mũi chỉ tự tiêu ở phía trong. Các mũi khâu này có thể không bị nhìn thấy từ bên ngoài và không cần phải rút chỉ.
Đối với thanh thiếu niên, bác sĩ phẫu thuật có thể khâu một vài mũi bên ngoài và cần phải được rút chỉ một tuần sau khi phẫu thuật xong.
Vì bệnh thoát vị ở trẻ em không liên quan đến cơ nên trẻ sẽ cảm thấy ít đau hơn sau phẫu thuật so với người lớn.
Bé nên được điều trị thoát vị bẹn khi nào?
Bạn sẽ bàn bạc với bác sĩ phẫu thuật về thời gian mổ cho bé. Thường thì cuộc phẫu thuật có thể được sắp xếp vào thời gian thuận tiện lúc bé khỏe mạnh, trong vòng từ 1 đến 4 tuần sau ngày khám với bác sĩ phẫu thuật.
Chăm sóc bé ở nhà như thế nào?
Chăm sóc vết mổ
- Giữ cho vết mổ sạch sẽ và khô ráo. Trong vòng 48 tiếng đồng hồ đầu sau khi phẫu thuật xong phải giữ cho băng được khô hoàn toàn. Nếu thấy một ít máu rỉ ra chỗ vết mổ phía dưới băng thì điều đó là bình thường.
- Vết mổ sẽ được phủ kín bằng băng keo nhỏ, và lớp trên cùng là băng không thấm nước bằng plastic trong suốt.
- Đừng động đến băng trong vòng 7 ngày. Bạn cũng có thể tỉa cạnh băng nếu nó cong lên, hoặc nếu băng tự rớt ra thì cũng không có vấn đề gì.
- Bạn có thể tháo băng ra sau 7 ngày.
- Các mũi khâu sẽ tự tiêu và không cần phải rút chỉ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cho bạn biết xem có mũi khâu nào bên ngoài cần phải được rút chỉ không.
- Vùng háng sẽ bị sưng và có thể mất vài tuần mới lành hẳn hoàn toàn.
Chứng đau và cách dỗ dành con trẻ
Con bạn có thể bị đau, nhất là khi bé cử động. chứng khó chịu này thường là do đau vết mổ và đầy hơi gây nên và thường giảm đi trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau ca phẫu thuật.
Bác sĩ sẽ có thể cho bé sử dụng acetaminophen kèm codeine trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu, sau đó có thể sử dụng acetaminophen thông thường (Tylenol, Tempra, Liquiprim, Panadol, …) theo chỉ định của bác sĩ.
Khẩu phần và dinh dưỡng
Bé nên uống nhiều nước và ăn nhẹ vào buổi tối hôm phẫu thuật. Vào ngày hôm sau bé có thể ăn uống như thường lệ nếu thấy sức khỏe đã ổn.
Cách sinh hoạt
- Sau 48 tiếng đồng hồ, con bạn có thể tắm bằng vòi sen hoặc chỉ được lau rửa bằng miếng bọt biển. Không nên cho bé tắm bồn hoặc bơi lội trong tuần đầu sau khi phẫu thuật xong.
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi, bạn nên lấy tay đỡ mông bé lên mỗi khi nhấc bé trong tuần đầu sau phẫu thuật. Hãy đỡ thân mình và 2 chân của trẻ để vùng mổ không bị kéo căng và bị giãn ra. Không cần phải thay tã nhiều hơn bình thường đâu.
- Các trẻ lớn hơn thường tự giới hạn sinh hoạt và sẽ hoạt động tuỳ theo khả năng cho phép.
- Tránh các trò chơi xô đẩy, các môn thể thao tiếp xúc, va chạm, chạy xe đạp và các trò leo trèo ở sân chơi trong tuần đầu tiên.
- Hầu hết trẻ ở độ tuổi đi học sẽ nghỉ ở nhà 1 ngày sau khi phẫu thuật. Nếu cảm thấy đủ khỏe, bé sẽ có thể đi học lại sau đó.
Khi nào tôi nên gọi cho bác sĩ?
Xin gọi điện cho phòng mạch bác sĩ phẫu thuật nếu bé mắc một trong các triệu chứng sau đây:
- Sốt 38,5° C trở lên trong hơn 24 tiếng đồng hồ.
- Vết mổ bị đỏ lan xuống vùng da phía dưới.
- Vết mổ bị chảy máu hoặc rỉ nước trở lại.
- Vết mổ bị đau trầm trọng, không dứt.
- Không đi tiểu được trong vòng từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ sau khi phẫu thuật xong.
- Ói mửa.
Xem thêm: Những chứng bệnh ở trẻ nhỏ mà bố mẹ nên biết