Sốt và cách đo nhiệt độ cho trẻ (Phần 2)

Bí quyết giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn
Sốt và cách đo nhiệt độ cho trẻ

Bí quyết giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn

Xin nhớ lại lần nữa là không phải tất cả các trường hợp sốt đều phải điều trị. Trong hầu hết các trường hợp thì sốt chỉ nên được điều trị nếu làm cho bé cảm thấy khó chịu.

Dưới đây là những cách có thể giúp làm dịu các triệu chứng thường đi kèm với sốt:

1. Sử dụng thuốc

Nếu con bạn cảm thấy bức rức, bực bội, la ó om sòm hoặc khó chịu trong người thì bạn có thể cho bé sử dụng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen dựa theo chỉ định trên bao bì đối với từng độ tuổi và cân nặng khác nhau.

Khi bác sĩ không chỉ định thì bạn chớ nên cho bé dùng thuốc aspirin vì thuốc này thường liên quan đến hội chứng Reye – đây là một bệnh nguy hiểm ở trẻ em sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, triệu chứng là ói mửa, gan tụ mỡ, mất phương hướng, sưng não và thận – Bệnh này hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong ở trẻ.

Nếu bạn không biết liều lượng chỉ định là bao nhiêu hoặc con bạn dưới 2 tuổi thì bạn nên gọi điện cho bác sĩ để biết nên cho bé sử dụng liều lượng nào là thích hợp.

Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào mà không có chỉ định của bác sĩ. Nếu con bạn đang mắc một bệnh nào đó thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xem thuốc nào là tốt nhất cho bé.

Nên nhớ rằng thuốc hạ sốt thường có tác dụng làm hạ sốt tạm thời chứ không làm cho bé có thân nhiệt bình thường như trước được – và thuốc hạ sốt không chữa dứt một nguyên do tiềm ẩn nào khác gây sốt cả.

2. Tắm cho bé

Cho bé tắm bằng bọt biển cũng có thể làm bé thoải mái, dễ chịu hơn và giúp hạ sốt. Bạn chỉ nên cho bé tắm bằng nước ấm thôi nhé, nước lạnh có thể khiến cho bé run cóng lên nhưng thực chất là làm tăng thân nhiệt của bé đấy.

Đừng bao giờ cho bé tắm bằng rượu (rượu có thể gây ngộ độc khi thẩm thấu qua da) hoặc chớ nên cho bé chườm túi nước đá/ hoặc tắm nước lạnh (có thể khiến bé lạnh run và làm tăng thân nhiệt của bé).

3. Nằm, mặc thoáng mát

Bạn nên cho bé mặc áo quần thoáng, nhẹ và đắp chăn mềm mỏng thôi. Việc mặc áo quần nhiều quá hoặc quấn bọc bé nhiều quá có thể làm cho nhiệt độ cơ thể không thoát được và có thể làm tăng thân nhiệt của bé.

Nên đảm bảo nhiệt độ trong phòng ngủ của bé được dễ chịu – không quá nóng hoặc quá lạnh.

4. Uống nhiều nước

Cho bé uống nhiều nước để tránh mất nước – sốt có thể làm cho trẻ bị mất nước nhanh hơn. Nước, canh, kem, và các món thạch có hương vị bé yêu thích đều rất tốt.

Tránh các thức uống có cà-phê-in, như nước uống có ga và trà bởi những thức uống này có thể khiến bé đi tiểu nhiều hơn.

5. Sử dụng dung dịch điện phân

Nếu con bạn đang bị sốt có kèm theo ói mửa và/ hoặc tiêu chảy thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem liệu có nên cho bé sử dụng dung dịch điện phân (bổ sung nước cho cơ thể) đặc biệt dành cho trẻ hay không.

Bạn có thể mua những dung dịch này ở các hiệu thuốc và siêu thị. Đừng cho bé uống các thức uống thể thao – các thức uống này không dùng cho trẻ nhỏ và các thức uống có thêm đường có thể làm cho tình trạng tiêu chảy của bé tệ hại hơn.

Ngoài ra, bạn nên hạn chế cho bé ăn trái cây và uống nước táo ép nhé.

6. Cho trẻ thoải mái và nghỉ ngơi nhiều hơn

Nói chung là hãy để cho bé ăn những thứ mà bé thích (lượng vừa phải) nhưng cũng đừng bắt ép con bạn ăn nếu bé không muốn ăn.

Đảm bảo cho bé được nghỉ ngơi nhiều. Không cần thiết phải cho bé nằm trên giường cả ngày đâu nhưng trẻ bị bệnh thì nên được nghỉ ngơi thoải mái.

Tốt hơn hết là nên cho bé nghỉ ở nhà hơn là đi học hoặc ở trung tâm chăm sóc và giám sát trẻ con. Hầu hết các bác sĩ đều cho rằng bé có thể an toàn ở nhà khi thân nhiệt của bé đã bình thường trở lại trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Bí quyết giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn

Khi nào nên gọi điện cho bác sĩ

Nhiệt độ chính xác khiến bạn phải gọi điện cho bác sĩ cũng tuỳ thuộc vào độ tuổi của bé, bệnh của bé và xem bé có những triệu chứng khác đi kèm với sốt không.

– Sốt cao trên mức cho phép

Bạn nên gọi điện cho bác sĩ nếu:

  • Con bạn dưới 3 tháng tuổi bị sốt 38°C trở lên.
  • Con bạn trên 3 tháng tuổi bị sốt trên 39°C.

– Các triệu chứng đi kèm

Hãy gọi điện cho bác sĩ nếu con bạn trên 3 tháng tuổi đang bị sốt dưới 39°C kèm theo:

  • Mất nước liên tục:
    • Không chịu uống nước hoặc bé bị bệnh quá nặng không thể uống đủ được.
    • Bị tiêu chảy dai dẳng hoặc nôn ói liên tục.
    • Có bất kỳ dấu hiệu nào của triệu chứng mất nước (đi tiểu ít hơn bình thường, khóc không có nước mắt, kém tươi tỉnh, hay lừ đừ và kém hoạt bát như thường lệ).
  • Mắc bệnh nào đó (như đau họng hoặc đau lỗ tai).
  • Sốt kéo dài
    • Vẫn còn sốt sau 24 tiếng đồng hồ (đối với trẻ dưới 2 tuổi) hoặc sau 72 tiếng đồng hồ (với trẻ từ 2 tuổi trở lên).
    • Bị sốt trở lại, dù là chỉ sốt một vài tiếng đồng hồ mỗi đêm.
  • Bị một chứng bệnh mãn tính nào đó như bệnh tim, ung thư, bệnh lu-pút (lao da), hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm.
  • Bị nổi ban đỏ.
  • Bị đau khi đi tiểu.

Hãy cho bé đến cấp cứu nếu con bạn có những biểu hiện dưới đây:

  • Khóc dai dẳng không nín.
  • Hết sức bức rức, khó chịu.
  • Ngủ lịm và khó thức dậy.
  • Môi, lưỡi hoặc móng tai có màu xanh.
  • Thóp đầu của bé có vẻ như đang phình ra hoặc lõm vào.
  • Bị vẹo cổ.
  • Bị nhức đầu dữ dội.
  • Khó cử động, nhúc nhích.
  • Khó thở lâu không dứt khi lỗ mũi đã hết nghẹt.
  • Bị chúi về trước và chảy nước dãi.
  • Bị động kinh, co giật.
  • Đau bụng.

Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các quy định cụ thể khi nào nên gọi điện cho họ.

Sốt là triệu chứng thường thấy của trẻ nhỏ

Đứa trẻ nào cũng bị sốt cả, và trong hầu hết các trường hợp thì triệu chứng sốt sẽ hết trong một vài ngày. Ai cũng trở nên ốm yếu khi bị sốt; điều này cũng bình thường thôi và bạn nên chuẩn bị tư tưởng như thế nhé.

Nhưng nếu bạn không biết chắc nên làm gì hoặc không biết sốt có thể là nguyên nhân hay dấu hiệu của bệnh gì hoặc nếu con bạn đang bị bệnh khiến cho bạn đứng ngồi không yên mặc dù bé không bị sốt thì bạn hãy gọi điện cho bác sĩ để tìm lời khuyên nhé.

Xem cách đo nhiệt độ của trẻ tại: Sốt và cách đo nhiệt độ cho trẻ (Phần 1)