Hẳn là bạn cũng đã từng rơi vào trường hợp: giật mình thức giấc giữa đêm thấy con mình mặt đỏ au, người nóng và đẫm mồ hôi, trán ấm. Ngay lập tức bạn sẽ nghi là con mình bị sốt, nhưng không biết nên làm gì đây. Có nên lấy nhiệt kế để đo nhiệt độ cho bé hay là nên gọi điện cho bác sĩ?
Đối với trẻ khoẻ mạnh thì sốt thường không phải là vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù nó cũng có thể khiến cho bạn lo sợ khi thấy thân nhiệt của bé tăng cao, bản thân của sốt cũng không gây hại gì cho cơ thể và đôi khi sốt cũng có tác dụng tốt – thường thì đó là một cách chống các bệnh lây nhiễm của cơ thể. Và không phải bất kỳ chứng sốt nào cũng cần nên chữa trị. Tuy nhiên, sốt cao có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu và làm cho vấn đề trở nên tệ hại hơn như là chứng mất nước đối với trẻ.
Dưới đây là những thông tin chi tiết về triệu chứng sốt, cách đo nhiệt độ và chữa trị cho bé và khi nào nên gọi điện cho bác sĩ.
1. Nguyên nhân gây sốt
Quan trọng là bạn nên nhớ rằng bản thân sốt không phải là bệnh – mà thường là một triệu chứng của một vấn đề tiềm ẩn nào đó. Một số nguyên nhân gây sốt có thể là:
Bệnh lây nhiễm (hay nhiễm trùng)
Hầu hết các triệu chứng sốt đều là do nhiễm trùng hoặc một chứng bệnh khác nào đó. Sốt giúp cơ thể kháng lại sự nhiễm trùng, chống các bệnh lây nhiễm bằng cách kích thích cơ chế miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Mặc quá nhiều quần áo
Trẻ sơ sinh, nhất là trẻ mới sinh, có thể bị sốt nếu được bọc quấn nhiều quá hoặc ở một môi trường quá nóng vì các bé này không điều tiết thân nhiệt được như những trẻ lớn tuổi hơn.
Tuy nhiên, vì triệu chứng sốt ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu của một chứng bệnh lây nhiễm nào đó nên ngay cả các bé sơ sinh được quấn bọc nhiều quá cũng phải nên được bác sĩ khám và chẩn đoán nếu bị sốt.
Chủng ngừa
Trẻ nhỏ đôi khi cũng bị sốt nhẹ sau khi tiêm ngừa xong.
Mặc dù việc mọc răng của bé cũng có thể khiến cho nhiệt độ cơ thể hơi tăng cao, nhưng đây hẳn không phải là nguyên nhân khiến cho thân nhiệt của trẻ cao hơn 37,8°C.
2. Khi nào sốt là dấu hiệu của một vấn đề nào đó nghiêm trọng?
Trước đây, bác sĩ khuyến cáo chỉ nên điều trị sốt dựa theo thân nhiệt cơ thể thôi. Nhưng giờ đây họ đề nghị nên xem xét cả thân nhiệt và tình hình sức khỏe tổng quát của trẻ nữa.
Sốt trên 38,9°C
Trẻ có thân nhiệt dưới 38,9°C thường không cần phải sử dụng thuốc trừ phi cảm thấy khó chịu. Một ngoại lệ hết sức quan trọng đối với nguyên tắc này là:
- Nếu con bạn ở độ tuổi từ 3 tháng trở xuống có nhiệt độ trực tràng 38°C trở lên thì bạn nên gọi điện cho bác sĩ hoặc cho bé đến khoa cấp cứu ngay lập tức nhé. Thậm chí sốt nhẹ cũng có thể là một dấu hiệu của một bệnh lây nhiễm nghiêm trọng nào đó có thể xảy ra đối với trẻ sơ sinh rất nhỏ.
- Nếu con bạn từ 3 tháng đến 3 tuổi bị sốt 39°C trở lên thì bạn nên gọi điện cho bác sĩ xem liệu bé có cần đến bác sĩ không.
Đối với trẻ lớn hơn, bạn hãy để ý xem mức hoạt động và cách hoạt động của bé nhé. Việc theo dõi xem bé hoạt động như thế nào giúp bạn hình dung được ý tưởng hay liệu đây là chứng bệnh nhẹ của bé hay bé cần nên đến bác sĩ ngay tức khắc.
Triệu chứng sốt này có lẽ không là vấn đề gì nghiêm trọng nếu con bạn:
- Vẫn thích chơi bình thường.
- Ăn uống khỏe.
- Tươi tỉnh và hay cười với bạn.
- Có sắc da bình thường.
- Trông khỏe mạnh, tươi tỉnh khi thân nhiệt của bé hạ.
Và bạn chớ nên lo lắng thái quá khi bé sốt và không muốn ăn. Điều này cũng rất thường gặp đối với các chứng nhiễm trùng gây sốt cho bé. Nếu trẻ vẫn uống nước và đi tiểu bình thường thì việc bé không ăn nhiều như mọi khi vẫn là điều bình thường thôi.
3. Có phải bé bị sốt không?
Một cái hôn nhẹ nhàng lên trán hoặc đặt tay nhẹ lên da bé thường cũng đủ để giúp bạn nhận biết bé đang bị sốt. Tuy nhiên, cách đo nhiệt độ như thế này (gọi là đo nhiệt độ bằng xúc giác) lệ thuộc vào cảm giác của người đo và đây không phải là một cách đo nhiệt độ chính xác.
Bạn nên sử dụng một nhiệt kế tin cậy để biết chính xác bé bị sốt (sốt là khi thân nhiệt của bé ở mức độ nào hoặc trên một trong những mức dưới đây):
- 38°C đo nhiệt độ trực tràng (đo ở hậu môn của bé).
- 37,5°C đo ở miệng.
- 37,2°C đo ở vùng dưới nách (dưới cánh tay).
Một chứng bệnh cảm lạnh nhẹ hoặc nhiễm vi rút khác nhiều khi cũng có thể làm cho bé sốt khá cao (dao động từ 38,9°-40°C) và lắm lúc thì nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể không làm cho bé sốt hoặc thậm chí là thân nhiệt của bé thấp hơn bình thường, nhất là đối với trẻ sơ sinh.
Do cơn sốt có thể tăng hoặc giảm, nên trẻ có thể bị ớn lạnh do cơ thể cố sinh thêm nhiệt khi nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng cao. Trẻ có thể bị vã mồ hôi vì cơ thể thoát nhiệt dư thừa khi nhiệt độ cơ thể bắt đầu hạ xuống.
Đôi khi, trẻ bị sốt có thể thở gấp hơn bình thường và nhịp tim nhanh hơn. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bé có dấu hiệu khó thở, thở nhanh hơn nhiều so với bình thường hoặc vẫn còn thở gấp sau khi hạ sốt.
4. Bí quyết giúp bạn đo nhiệt độ cho bé
Như bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng biết là việc đo thân nhiệt cho con mình có thể là một điều không dễ dàng gì.
Nhưng đây là một trong những công cụ quan trọng nhất giúp cho bác sĩ có thể biết chính xác là liệu con bạn đang bị bệnh hay bị nhiễm trùng hay không. Phương pháp tốt nhất tùy thuộc vào độ tuổi và tính tình của từng đứa trẻ một.
Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi
Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi thì bạn nên dùng nhiệt kế số để đo nhiệt độ trực tràng nhằm có số đo thân nhiệt đáng tin cậy nhất.
Nhiệt kế đo tai điện tử không nên sử dụng cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bởi ống tai của bé ở độ tuổi này thường là rất nhỏ.
Đối với trẻ từ 3 tháng đến 4 tuổi
Đối với trẻ từ 3 tháng đến 4 tuổi thì bạn có thể sử dụng nhiệt kế số để đo nhiệt độ trực tràng hoặc dùng nhiệt kế đo tai điện từ để đo nhiệt độ bên trong ống tai.
Bạn cũng có thể sử dụng nhiệt kế số để đo nhiệt độ ở nách, mặc dù đây là cách đo thân nhiệt không chính xác lắm.
Đối với trẻ từ 4 tuổi trở lên
Đối với trẻ từ 4 tuổi trở lên thì bạn thường có thể sử dụng nhiệt kế số để đo nhiệt độ miệng cho bé nếu con bạn chịu hợp tác. Tuy nhiên, những trẻ hay bị ho hoặc đang phải thở bằng miệng vì bị nghẹt mũi có lẽ không tài nào ngậm miệng lâu đủ để có thể cho bạn đo được thông số chính xác. Trong trường hợp như thế này thì bạn có thể sử dụng phương pháp đo nhiệt độ ở màng nhĩ (bằng nhiệt kế đo tai điện tử) hoặc phương pháp đo nhiệt độ ở nách (bằng nhiệt kế số).
5. Kỹ thuật đo nhiệt độ cho trẻ theo từng vùng
Kỹ thuật đo nhiệt độ trực tràng
Trước khi trở thành bố mẹ thì hầu hết người ta đều cảm thấy lúng túng khi nghĩ đến việc đo nhiệt độ trực tràng. Nhưng bạn chớ nên lo ngại – đây là một quá trình đơn giản thôi mà:
1. Bôi trơn một đầu của nhiệt kế bằng dầu nhờn, như mỡ bôi trơn chẳng hạn.
2. Đặt con bạn nằm xuống:
- Bụng bé úp xuống vào lòng của bạn hoặc để cho bụng bé úp xuống trên một bề mặt cứng và phẳng; giữ tay bạn dọc theo vùng lưng dưới
- Hoặc cho bé nằm ngửa, 2 chân co lên ngực; tay bạn áp tì vào mặt sau của đùi bé
3. Tay kia của bạn đẩy nhiệt kế đã được bôi trơn vào lỗ hậu môn khoảng từ 1,25 đến 2,5 cm). Hãy dừng lại nếu bạn cảm thấy bé nhúc nhích khó chịu.
4. Giữ chặt nhiệt kế giữa ngón trỏ và ngón giữa khi bạn khum bàn tay áp vào hậu môn của bé. Bạn nên dỗ dành và nói ngọt, nhẹ nhàng với bé khi bạn giữ cố định nhiệt kế nhé.
5. Hãy chờ cho đến khi bạn nghe đúng số lần kêu bíp-bíp hoặc một tín hiệu nào đó cho biết nhiệt độ đã được đo xong. Bạn nên ghi lại số đo trên màn vạch và ghi chú lại thời gian bạn đo nhiệt độ cho bé là giờ nào nhé.
Kỹ thuật đo nhiệt độ ở miệng
Quá trình này cũng dễ dàng đối với trẻ lớn tuổi hơn và chịu hợp tác.
1. Bạn hãy chờ khoảng chừng từ 20 đến 30 phút sau khi bé ăn hoặc uống xong để đo nhiệt độ ở miệng cho bé, và hãy chắc rằng là bé không ngậm kẹo hay kẹo cao su trong miệng khi đo nhiệt độ.
2. Đặt một đầu nhiệt kế vào dưới lưỡi và bảo bé ngậm miệng lại, giữ chặt nhiệt kế bằng môi. Bạn nên nhắc bé là không nên cắn hay nói chuyện trong lúc này, và hãy thư giãn, hít thở bình thường bằng mũi.
3. Hãy chờ cho đến khi bạn nghe thấy đúng số lần kêu bíp-bíp hoặc một tín hiệu nào đó cho biết nhiệt độ đã được đo xong. Bạn nên ghi lại số đo trên màn vạch và ghi chú lại thời gian bạn đo nhiệt độ cho bé là giờ nào nhé.
Kỹ thuật đo nhiệt độ ở nách
Đây là một phương pháp tiện lợi dùng để đo thân nhiệt cho bé. Mặc dù không chính xác như phương pháp đo nhiệt độ trực tràng hoặc đo nhiệt độ miệng đối với trẻ chịu hợp tác, nhưng hầu hết các bố mẹ đều chuộng phương pháp đo nhiệt độ ở nách hơn, nhất là đối với những đứa trẻ không ngậm nhiệt kế trong miệng được.
1. Bạn hãy cởi áo sơ mi và áo lót của bé ra, và đặt nhiệt kế vào dưới nách cho bé (nhiệt kế phải được tiếp xúc với da, không phải tiếp xúc với quần áo).
2. Gập cánh tay của bé lại qua ngực để giữ cố định nhiệt kế.
3. Hãy chờ cho đến khi bạn nghe thấy đúng số lần kêu bíp-bíp hoặc một tín hiệu nào đó cho biết nhiệt độ đã được đo xong. Bạn nên ghi lại số đo trên màn vạch và ghi chú lại thời gian bạn đo nhiệt độ cho bé là giờ nào nhé.
Bất kể là bạn chọn phương pháp nào để đo nhiệt độ cho bé đi nữa thì hãy nên nhớ những bí quyết bổ sung này nhé:
- Không bao giờ đo thân nhiệt của bé ngay sau khi bé mới tắm xong hoặc sau khi quấn bọc bé một thời gian ngắn nào đó – bởi điều này có thể ảnh hưởng đến số đo thân nhiệt, làm cho số đo không được chính xác.
- Không bao giờ bỏ mặc bé một mình khi đang đo nhiệt độ cho bé.
Xem thêm cách giúp bé hạ sốt và dễ chịu hơn: Sốt và cách đo nhiệt độ cho trẻ (Phần 2)