Phương pháp“Montessori” đang trở nên phổ biến trong việc áp dụng giáo dục cho trẻ, được biết đến như một phương pháp mới thay thế cho phương pháp truyền thống.
Định nghĩa của phương pháp này dường như vẫn còn rất mơ hồ với một số người nghe, thậm chí đối với những phụ huynh đang có con học ở trường dạy theo chuẩn Montessori.
Phương pháp Montessori là gì?
Phương pháp giáo dục Montessori được phát triển bởi Maria Montessori (1870-1952), bác sĩ nữ người Ý đầu tiên vào đầu thế kỷ 20. Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác.
Bà đã sử dụng kiến thức của một nhà khoa học, một người bác sĩ để quan sát trẻ và thấy rằng chúng hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của các giác quan.
Từ đó, bà thiết kế trường học mà ở đó trẻ có thể phát triển tự nhiên thay vì kìm kẹp chúng.
5 nguyên tắc được dùng trong phương pháp Montessori
1. Học để trải nghiệm
Trẻ học ở trường Montessori sẽ được dạy bằng sự hỗ trợ của các giáo cụ được thiết kế đặc biệt.
Thay vì cố gắng ghi nhớ những phép toán khô khan, các bé sẽ được học đếm bằng những giáo cụ là vật dụng đủ hình dạng với chất liệu gần gũi như gỗ,vải,…Từ đó kích thích trí tò mò, muốn tìm hiểu của trẻ mà không gây nhàm chán.
2. Độ tuổi khác nhau trong một lớp học
Lớp học theo phương pháp Montessori sẽ gồm các trẻ ở nhiều độ tuổi và trình độ khác nhau, thông thường sẽ được chia thành ba nhóm (dưới 3 tuổi, 3-6 tuổi, 6-9 tuổi).
Bằng việc học chung, những đứa trẻ này sẽ học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau. Các bé nhỏ sẽ học từ những anh chị lớn hơn mình bằng cách quan sát, còn các bé lớn sẽ củng cố được kiến thức và hình thành kỹ năng lãnh đạo thông qua việc chỉ dạy những bài học cho các em nhỏ.
3. Không gián đoạn quá trình học
Tất cả các trường Montessori đều có số giờ dạy khá dài ( 2-3 tiếng tùy vào độ tuổi).
Nếu với lớp học truyền thống trẻ được học toán 30 phút, sau đó học ngôn ngữ 30 phút thì với phương pháp mới Montessori trẻ sẽ học một môn kéo dài từ sáng đến trưa.
Điều này giúp trẻ hiểu rõ bài học thông qua việc sử dụng giáo cụ. Đặc biệt, học không ngắt quãng sẽ luyện cho trẻ sự tập trung.
4. Môn học
Ngoài các môn thuộc các lĩnh vực Toán, Ngôn ngữ và Văn hóa, “Montessori” đặc biệt còn có hai lĩnh vực học là: Trải nghiệm thực tế và Cảm nhận.
- Trải nghiệm thực tế: bao gồm các bài dạy giúp trẻ học những kỹ năng mà chúng thường gặp trong cuộc sống. Ví dụ với trẻ nhỏ tuổi, các bé sẽ được dạy cách rót nước, cách xếp giày dép lên kệ hay cách lau bàn. Còn với các bé lớn tuổi hơn, chúng sẽ được dạy cách chi tiêu tiền và kinh doanh từ một dự án nhỏ.
- Cảm nhận: là môn học về các giác quan. Phương pháp Montessori chỉ ra rằng việc cho trẻ học thông qua giác quan và được hỗ trợ bởi các giáo cụ sẽ giúp chúng làm quen và phát triển khả năng cảm nhận, ví dụ như ngửi, nghe,…
5. Tự do trong khuôn khổ
Tiêu chí của trường dạy theo phương pháp Montessori là để trẻ được chủ động khám phá.
Giáo viên sẽ đưa ra bài học thông qua giáo cụ mà trẻ chưa từng được tiếp xúc qua và trẻ được tự do khám phá theo cách mà nó thích.
Trẻ trong lớp học Montessori được tự lựa chọn chỗ ngồi, hay học với giáo cụ nào dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Chúng sẽ không được phép làm xao lãng bạn bè học tập hay lựa chọn chỉ học vẽ cả ngày, nhưng chúng được chọn môn mình thích học chẳng hạn như toán hay ngôn ngữ, được chọn vị trí chỗ ngồi có thể là ở bàn hay cầu thang.
Xem thêm:
- Những ưu điểm của phương pháp giáo dục Montessori
- Sự khác biệt giữa phương pháp giáo dục Montessori và truyền thống
- Montessori tại nhà: 5 việc trẻ có thể tự làm khi ở nhà
- Chuẩn bị không gian cho trẻ tại nhà theo phương pháp Montessori
- Đồ chơi cho trẻ học theo phương pháp Montessori