Con bạn thường khóc hàng giờ liền vào mỗi buổi tối, và tiếng khóc dai dẳng của bé khiến bạn cảm thấy mệt mỏi đến mức muốn khóc theo. Vậy điều gì đã làm bé khóc nhiều như vậy?
Tất cả những đứa trẻ sơ sinh đều khóc và hay tỏ ra khó chịu. Tuy nhiên nếu một đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh lại khóc nhiều hơn 3 tiếng một ngày, nhiều hơn 3 ngày một tuần trong suốt 3 tuần thì đó chính là dấu hiệu của chứng đau bụng colic. Chứng đau bụng này thường không gây hại nhiều cho trẻ và cuối cùng sẽ tự hết.

Về chứng đau bụng colic
Theo thống kế có khoảng 40% trẻ nhỏ mắc phải chứng đau bụng này. Nó thường bắt đầu vào những tuần thứ 3 và thứ 6 sau khi sinh và kết thúc khi trẻ được 3 đến 4 tháng tuổi. Nếu trẻ vẫn khóc thường xuyên sau đó thì có thể trẻ đã có một vấn đề khác về sức khỏe.
Dưới đây là một vài kiến thức quan trọng về chứng đau bụng colic:
- Những đứa bé bị đau bụng colic thường có phản xạ bú mút rất tốt và bú sữa được. Chúng hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển tốt. Hãy gọi cho bác sĩ nếu con bạn không bú sữa tốt hoặc không có phản xạ bú mút tốt.
- Những đứa bé bị đau bụng colic rất thích được bế và ôm ấp. Hãy gọi cho bác sĩ nếu con bạn không thoải mái khi được bế hoặc ôm ấp.
- Những đứa bé bị đau bụng colic thỉnh thoảng sẽ phun nước bọt, nhưng nếu con bạn thường nôn mửa hoặc sụt cân, hãy gọi cho bác sĩ. Nôn mửa thường xuyên không phải là một dấu hiệu của đau bụng colic.
- Những đứa bé bị đau bụng colic thường đi cầu rất bình thường. Nếu con bạn bị tiêu chảy hoặc đi ra máu, hãy gọi cho bác sĩ.
Nguyên nhân của chứng đau bụng colic
Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa biết rõ nguyên nhân của chứng đau bụng này là gì. Từng có ý kiến cho rằng việc không chịu được sữa bò có thể là nguyên nhân gây ra chứng đau bụng colic nhưng ngày nay các bác sĩ tin rằng nó không phải là nguyên nhân.
– Chế độ ăn uống của mẹ (đối với trẻ bú sữa mẹ)
Một vài bà mẹ cho con bú thấy rằng việc loại bỏ caffeine ra khỏi chế độ ăn uống của mình thật sự có tác dụng, trong khi những bà mẹ khác cũng đạt được điều này khi loại bỏ những sản phẩm bột mì, sữa, đậu nành hoặc trứng.
Trong trường hợp này, những thay đổi trong chế độ ăn uống của mẹ sẽ giúp giảm bớt chứng đau bụng này cho con.
– Một số nguyên nhân khác
Một số giả thuyết cho rằng chứng đau bụng colic xảy ra khi: thức ăn di chuyển quá nhanh trong hệ thống tiêu hóa của trẻ hoặc không được tiêu hóa hoàn toàn; do tính khí của trẻ hoặc do một vài đứa trẻ khó hòa nhập với thế giới hơn. Người ta cũng nghiên cứu thấy rằng những đứa bé có mẹ hút thuốc thường dễ bị đau bụng colic hơn bình thường.
Một vài đứa bé bị đau bụng colic cũng bị đầy hơi, nhưng vẫn không rõ có phải hơi đã gây ra chứng đau bụng colic hay bé chỉ bị đầy hơi vì nuốt quá nhiều không khí trong quá trình khóc.
Điều trị bằng cách nào?
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp y khoa nào giúp điều trị chứng đau bụng colic. Tuy nhiên, dưới đây là một vài cách sẽ giúp cuộc sống của bạn và bé thoải mái hơn.
- Đầu tiên, nếu con bạn không đói, đừng cô gắng bắt bé bú. Thay vào đó, hãy bế hoặc ôm ấp bé nhiều hơn
- Cho bé đi dạo hoặc ngồi trên ghế lắc lư ở nhiều tư thế khác nhau.
- Thử cho bé ợ thường xuyên trong suốt quá trình bú.
- Hãy đặt bé nằm sấp trong lòng bạn và xoa lưng cho bé.
- Cho bé ngồi xích đu hoặc ghế rung. Sự rung động này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
- Cho bé nghe nhạc – một vài đứa trẻ phản ứng với âm thanh tốt hơn là chuyển động.
- Để bé gần máy giặt, máy hút bụi hoặc những loại máy phát ra tiếng ồn trắng – một vài đứa trẻ cảm thấy những tiếng ồn nhẹ nhàng rất dễ chịu.
Bố mẹ học cách giải tỏa
Chăm sóc cho một đứa trẻ bị đau bụng colic không phải là một công việc dễ dàng, vì vậy bạn cũng nên chăm sóc cho bản thân mình tốt hơn. Đừng tự trách bản thân mình hoặc trách bé vì sự phiền toái không đáng có này – chứng đau bụng colic không phải là lỗi của ai cả. Hãy tập thư giãn, và nhớ rằng cuối cùng bé cũng sẽ vượt qua được giai đoạn này thôi.
Trong thời gian đó, lâu lâu hãy cho phép mình nghỉ giải lao một lần. Hãy nhờ những người thân trong gia đình hoặc họ hàng trông bé nếu bạn cần thời gian nghỉ ngơi. Nếu không có ai để nhờ vả, bạn cũng có thể đặt bé trong nôi và đi nghỉ một chút.
Nếu bé sốt trên 38°C, khóc quấy liên tục hơn 2 tiếng đồng hồ liền, bỏ bú sữa, bị tiêu chảy hoặc nôn mửa liên tục, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Bạn nên gọi điện hoặc đi khám bác sĩ nếu không chắc chắn rằng con bạn khóc là do chứng đau bụng colic hoặc do một chứng bệnh khác.
Xem thêm: Những chứng bệnh ở trẻ nhỏ mà bố mẹ nên biết