Làm gì khi con sợ bác sĩ?

bé sợ bác sĩ

Nếu con bạn luôn lo âu và thậm chí là khóc lóc mỗi khi đến gặp bác sĩ hay nha sĩ, những chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp cha mẹ trấn an nỗi sợ hãi này của trẻ.

bé sợ bác sĩ

Tình trạng của bé

Một số trẻ em, đặc biệt là trẻ khoảng 2 tuổi rưỡi, cực kì sợ hãi những chuyến đi khám sức khỏe định kì hay đi gặp nha sĩ.

Nguyên nhân

Việc sợ bác sĩ của bé hoàn toàn có thể được lí giải theo căn cứ khoa học. Ở độ tuổi này, trí nhớ của bé bắt đầu phát triển. Khi còn nhỏ, bé có thể quên đi những kí ức, nhưng khi được 2 tuổi rưỡi, kí ức về sự đau đớn, những lần tiêm phòng hay vị đắng của thuốc sẽ rõ ràng hơn. Và như một lẽ dĩ nhiên, mỗi lần đến gặp bác sĩ lại trở thành một trải nghiệm đáng sợ.

Bố mẹ cần biết rằng: Điều quan trọng nhất bạn phải làm là không trêu chọc hay coi thường sự sợ hãi của bé. Thay vào đó, hãy cảm thông và tuân theo những lời khuyên sau đây để giúp bé cảm thấy tốt hơn:

Cách giải quyết sự sợ hãi của trẻ

Lần sau, khi bé sợ hãi và không chịu đi gặp bác sĩ, các mẹ có thể thử những cách sau:

– Chọn đúng thời điểm

Đừng đặt lịch hẹn định kì với bác sĩ khi bé đang đói hay mệt mỏi. Bạn cũng nên tránh giờ cao điểm, vì lúc này bác sĩ sẽ có rất nhiều bệnh nhân và không thể dành đủ thời gian để trấn an nỗi sợ hãi của bé (và cả bạn cũng phải đợi rất lâu trong mệt mỏi nữa)

– Thông báo cho bác sĩ/nha sĩ về nỗi sợ hãi của bé

Nếu con bạn biểu hiện sự lo lắng hơn mức bạn nghĩ, hãy liên lạc trước với bác sĩ hoặc y tá của phòng khám và thông báo về nỗi sợ hãi của bé. Với kinh nghiệm của mình, họ sẽ có những giải pháp ứng phó phù hợp hơn.

– Đừng hứa khi bạn không thể giữ lời

Nếu cha mẹ nói với bé rằng “không đau đâu!” trong khi sự thật hoàn toàn ngược lại – dù chỉ là đau khi tiêm phòng – bé sẽ không còn tin tưởng bạn nữa.

– Làm bé dễ chịu nhất có thể

Hãy để bé mang theo con thú bông yêu thích của mình, hoặc để vài thanh socola hoặc các loại kẹo bé thích vào túi, và thường xuyên ôm ấp để trấn an bé. Để bé biết rằng khóc là biểu hiện hoàn toàn bình thường, và rằng bạn tự hào vì bé biết đối mặt với nỗi sợ của mình.

– Hãy kiềm chế bản thân mình

Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra lo lắng khi trẻ khóc quá nhiều. Và trẻ thường bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc này và nghĩ về mọi thứ bằng những ý tưởng tiêu cực hơn nữa.

– Hãy khen ngợi bé khi khám xong

Sau khi bé khám chữa bệnh, cha mẹ cần tìm một lời khen tích cực để động viên bé. Hãy lưu ý đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất (ví dụ: ngoan quá, con đã khóc ít hơn lần trước rồi!)

Lên “kế hoạch xoa dịu” cho bé sau chuyến đi đến bệnh viện, phòng khám. Có thể là bạn sẽ đưa bé đi ăn kem, sở thú hay đến khu vui chơi dù bé đã khóc quấy thế nào. Điều này sẽ giúp bé tự nguyện hợp tác với bác sĩ.

Để ngăn chặn nỗi sợ hãi xảy đến với bé, cha mẹ nên

Cùng trẻ đọc những câu chuyện tích cực có nội dung liên quan đến việc khám bệnh hay đi gặp bác sĩ.
Tặng trẻ một bộ đồ chơi bác sĩ và để trẻ chơi trò đóng vai với bạn và các món đồ chơi thú bông của mình.

Để ngăn chặn nỗi sợ hãi xảy đến với bé, cha mẹ nên

Đừng bao giờ dùng bác sĩ hay việc khám bệnh như một lí do để hù dọa trẻ. Ví dụ như nhiều phụ huynh hay nói rằng: “Nếu con không chịu uống thuốc, con sẽ bị bệnh và phải đi gặp bác sĩ đấy!”. Việc hù dọa này sẽ có tác dụng ngược lại và làm gia tăng nỗi sợ cho trẻ.

Bạn đã áp dụng những phương pháp này bao giờ chưa và đã đạt được hiệu quả như thế nào? Hãy chia sẻ ngay với chúng tôi trong phần bình luận phía dưới!