Đối với người lớn, tuổi thơ dường như là một khoảng thời gian vô tư và thảnh thơi. Nhưng trẻ vẫn có thể phải đối mặt với căng thẳng. Những thứ như trường học và cuộc sống xã hội đôi khi có thể tạo nên áp lực lên trẻ. Là bố mẹ, bạn không thể bảo vệ con minh khỏi căng thẳng – nhưng bạn có thể giúp chúng tìm được những phương pháp lành mạnh để đối mặt với căng thẳng và giải quyết các vấn đề hàng ngày.
Trẻ có thể giải quyết căng thẳng một cách lành mạnh hoặc không lành mạnh. Và trong khi trẻ thường không chủ động nói về những thứ đang gây phiền muộn cho chúng, chúng vẫn muốn bố mẹ ở bên cạnh và giúp chúng vượt qua những khó khăn này.
Đối với bố mẹ, việc biết được mình nên làm gì khi con cảm thấy căng thẳng là một thử thách không hề dễ dàng.
Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho bạn:
Chú ý đến trẻ
Hãy nói cho trẻ biết rằng bạn nhận thấy có điều gì đó đang làm chúng buồn phiền. Nếu có thể, hãy gọi tên cảm giác mà bạn cho rằng trẻ đang gặp phải.
(Hình như con còn vẫn đang bực mình về những gì xảy ra ở trường hôm qua phải không?) Bạn đừng khiến trẻ cảm thấy như mình đang bị kết tội (chẳng hạn như, “Chuyện gì nữa đây? Con vẫn còn bực mình vì ba chuyện cỏn con đấy ư?”).
Hãy thể hiện cho trẻ thấy rằng bạn đang rất quan tâm đến nỗi lo của chúng. Hãy đồng cảm với trẻ và thể hiện rằng bạn thực sự quan tâm và muốn biết trẻ đang nghĩ gì.
Lắng nghe trẻ
Hãy nhẹ nhàng yêu cầu trẻ nói cho bạn biết chuyện gì đang xảy ra. Lắng nghe một cách chú ý và bình tĩnh, đồng thời thể hiện sự quan tâm, kiên nhẫn và cởi mở.
Tránh phê bình, khiển trách, “giảng đạo”, hoặc nói những thứ mà đáng lẽ ra trẻ nên làm. Điều quan trọng nhất ở đây là lắng nghe tâm tư của trẻ.
Hãy thử tìm cách hiểu toàn bộ câu chuyện bằng cách hỏi những câu hỏi như “Rồi chuyện gì xảy ra tiếp?” Hãy kiên nhẫn và cho trẻ thời gian để bộc lộ hết những điều đang gây phiền muộn cho chúng.
Nhận xét ngắn gọn về cảm giác mà bạn nghĩ rằng trẻ đang gặp phải
Ví dụ, bạn có thể nói “Chắc là con buồn lắm phải không,” “Hèn gì con cảm thấy tức giận khi các bạn không cho con chơi chung,” hoặc “Điều đó thật là bất công với con mà.”
Hành động này thể hiện rằng bạn hiểu được cảm giác của trẻ và bạn rất quan tâm đến chúng. Cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu sẽ giúp trẻ cảm thấy được an ủi và đồng cảm hơn, và điều đó là rất quan trọng khi trẻ bị căng thẳng.
Gọi tên sự căng thẳng
Nhiều trẻ nhỏ vẫn chưa biết dùng từ gì để diễn tả cảm giác của chúng. Nếu con bạn trông có trẻ cáu kỉnh hoặc bực mình, hãy dùng những từ ngữ đó để giúp trẻ học cách nhận dạng cảm xúc của mình bằng tên gọi.
Việc này sẽ giúp trẻ giao tiếp và phát triển nhận thức về cảm xúc – khả năng nhận ra trạng thái cảm xúc của riêng mình. Nếu làm được điều đó, trẻ sẽ không thể nổi giận đến mức thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ của mình bằng hành động thay vì lời nói.
Giúp trẻ tìm ra cách giải quyết
Nếu đã xác định được vấn đề đang khiến trẻ căng thẳng, hãy cùng nhau trò chuyện về vấn đề đó. Khuyến khích trẻ nghĩ ra một vài ý kiến.
Bạn có thể giúp trẻ suy nghĩ nhưng đừng làm hết tất cả mọi việc giùm trẻ. Sự tham gia tích cực vào quá trình tìm ra cách giải quyết sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Hãy hoan nghênh những ý kiến hay của trẻ và thêm vào vài ý kiến của bạn.
Lắng nghe và đổi chủ đề nếu có thể
Đối khi trò chuyện và cảm thấy được thấu hiểu là tất cả những gì trẻ cần để giải quyết căng thẳng. Sau đó, hãy thử đổi chủ đề và nói về những thứ tích cực và thư giãn hơn.
Hãy giúp trẻ nghĩ về một thứ gì đó có thể khiến trẻ cảm thấy tốt hơn. Đừng quan tâm đến vấn đề quá nhiều nếu chúng không thực sự nghiêm trọng.
Hạn chế căng thẳng khi có thể
Nếu một tình huống nào đó đang khiến trẻ căng thẳng, hãy xem có cách nào có thể cải thiện nó hay không. Ví dụ, nếu những hoạt động ngoại khóa khiến trẻ không có thời gian làm bài tập, bạn cần hạn chế những hoạt động này để trẻ có thời gian và năng lượng để làm bài tập.
Luôn bên cạnh trẻ
Trẻ thường có xu hướng không thích nói về những thứ đang khiến chúng buồn phiền. Việc đó là hoàn toàn bình thường. Hãy cho trẻ biết rằng bạn sẽ luôn ở bên cạnh nếu chúng muốn trò chuyện. Bạn có thể giúp trẻ cảm thấy tốt hơn đơn giản bằng cách ở bên cạnh trẻ – cùng nhau làm một việc gì đó.
Vì vậy, nếu bạn nhận thấy con mình căng thẳng, buồn phiền, hoặc cáu kỉnh – nhưng lại không muốn nói chuyện với bạn – hãy rủ trẻ cùng làm một việc gì đó như đi dạo, xem phim, chơi thể thao, hoặc nướng bánh. Trẻ sẽ cảm nhận được sự hiện diện và quan tâm của bạn thông qua những hành động đơn giản này.
Hãy kiên nhẫn
Là bố mẹ, bạn sẽ cảm thấy không vui khi con mình bị căng thẳng. Nhưng đừng cố làm mọi thứ để giải quyết vấn đề của trẻ. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc giúp trẻ, tuy chậm mà chắc, tự giải quyết vấn đề của mình. Việc này sẽ giúp trẻ tập thích nghi với những gì đang diễn ra, thể hiện cảm xúc bằng lời nói, bình tĩnh lại khi cần thiết, và không bị ngã gục khi gặp khó khăn.
Không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể giúp trẻ giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng cách dạy cho trẻ những phương pháp đối mặt với căng thẳng một cách lành mạnh, bạn sẽ giúp trẻ biết cách quản lý và giải quyết được những vấn đề có thể sẽ xảy ra trong tương lai.