Bé được trường cho nghỉ học vì thời tiết, bạn có một cuộc họp đột xuất hoặc người trông trẻ có việc bận không đến được, những trường hợp như vậy hoàn toàn có thể xảy ra và còn không còn lựa chọn nào khác ngoài phải để bé ở nhà một mình.
Việc các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng khi lần đầu tiên để bé yêu ở nhà mà không có sự giám sát của mình là vô cùng tự nhiên. Nhưng bạn có thể cảm thấy tự tin hơn nếu có sự chuẩn bị đầy đủ và thử nghiệm một vài lần. Nếu được làm tốt, ở nhà một mình có thể trở thành một trải nghiệm tích cực đối với bé, giúp bé tự tin và độc lập hơn.
Những điều cần lưu ý
Dĩ nhiên một đứa trẻ 5 tuổi không thể ở nhà một mình nhưng một đứa trẻ 16 tuổi thì hoàn toàn có thể. Vậy còn những bé ở khoảng giữa thì sao? Thật khó để có thể biết được khi nào thì con bạn có thể ở nhà một mình được. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự đánh giá của bạn.
Hỏi con xem bé cảm thấy thế nào nếu ở nhà một mình
Trước tiên, bạn nên hỏi con xem bé cảm thấy thế nào nếu ở nhà một mình. Nhưng hầu hết mọi đứa trẻ sẽ trả lời là chúng hoàn toàn có thể làm được trước khi bố mẹ thực sự cảm thấy yên tâm với chuyện đó. Và cũng có trường hợp những đứa trẻ lớn hơn sợ ở nhà một mình trong khi bố mẹ lai tin rằng chúng có thể làm được. Vậy làm cách nào để biết chính xác đây?
Nhìn chung, bạn không nên để các bé dưới 10 tuổi ở nhà một mình. Mọi đứa trẻ đều khác nhau, nhưng ở độ tuổi này, hầu hết đều không có đủ sự trưởng thành và kỹ năng để đối phó với các tình huống khẩn cấp nếu ở một mình.
Hãy nghĩ về khu bạn đang sống
Bạn có quen thân với hàng xóm và tin tưởng họ sẽ giúp con bạn trong những tình huống khẩn cấp hay không? Hay bạn hoàn toàn không quen biết họ? Bạn đang sống trên một con phố tấp nập có nhiều xe cộ hay đang sống trong một khu phố yên tĩnh? Khu bạn sống có thường xảy ra tội phạm không?
Bạn cũng nên biết cách mà con bạn sẽ đối phó với các tinh huống khác nhau. Dưới đây là một vài câu hỏi bạn nên cân nhắc:
- Bé có thể hiện những dấu hiệu của tinh thần trách nhiệm với những thứ như bài tập, việc nhà, và nghe lời bố mẹ không?
- Bé sẽ đối phó với những tình huống bất ngờ như thế nào? Bé có đủ bình tĩnh khi mọi thứ diễn ra không như mong muốn của bé không?
- Bé có hiểu và nghe theo những nguyên tắc của bố mẹ không?
- Bé có thể hiểu và làm theo những phương pháp về an toàn không?
- Bé có khả năng phán đoán tốt không hay lúc nào cũng sẵn sàng mạo hiểm?
- Bé có những kiến thức cần thiết về sơ cấp cứu không?
- Bé có nghe theo những lời dặn của bạn về việc tránh xa người lạ không?
Thử nghiệm
Ngay cả khi bạn đã hoàn toàn tự tin về sự trưởng thành của con mình, hãy thử làm một vài bài kiểm tra trước khi thực sự để bé ở nhà một mình.
Hãy thử để bé ở nhà một mình từ 30 phút đến 1 tiếng trong khi bạn vẫn ở rất gần bé và hoàn toàn có thể có mặt ngay nếu có vấn đề xảy ra.
Khi bạn về nhà, hãy hỏi bé mọi chuyện diễn ra như thế nào và thảo luận với bé về những thứ bạn muốn thay đổi hoăc những kỹ năng mà bé cần phải học cho lần sau.
Đối phó với những tình huống bất ngờ
Bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều về sự vắng mặt của mình nếu con bạn được học một vài kỹ năng cơ bản có thể giúp ích cho bé khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Những tổ chức như Chữ thập đỏ thường tổ chức các khoác học về sơ cấp cứu và CPR trong các trường học, bệnh viên và trung tâm cộng đồng.
Trước khi thực sự được nhà một mình, con bạn nên có khả năng hoàn tất những nhiệm vụ và đề phòng nhất định như:
- biết được khi nào và làm cách nào để gọi 113 và nên cung cấp những thông tin gì cho người nghe máy
- khóa và mở khóa cửa
- biết cách gọi điện thoại/điện thoại di động
- mở và tắt đèn
- vận hành lò vi ba
Nên làm gì nếu:
- có một đám cháy nhỏ trong bếp
- trời mưa bão hoặc thời tiết khắc nghiệt
- một người lạ gõ cửa
- một người nào đó gọi điện muốn gặp bố/mẹ
- bị cúp điện
Hãy thường xuyên thảo luận với bé về những tình huống khẩn cấp – ví dụ, hỏi xem bé sẽ làm gì khi ngửi thấy mùi khói, người lạ gõ cửa hoặc người nào đó gọi điện cho bạn khi bạn vắng nhà.
Trước khi đi
Ngay cả khi bạn đã quyết định rằng con bạn đã sẵn sàng ở nhà một mình, bạn vẫn sẽ có xu hướng cảm thấy lo lắng khi việc đó thực sự xảy ra. Làm theo những bước sau đây sẽ giúp bạn và cả bé cảm thấy an tâm và thoải mái hơn:
1. Lên thời gian liên lạc với nhau
Hãy lên một lịch trình gọi điện cho nhau. Bạn nên yêu cầu bé gọi cho bạn ngay lập tức nếu bé về nhà mà không thấy ai ở nhà, hoặc lên thời gian bạn sẽ gọi về nhà để kiểm ra.
Hãy chọn những thời điểm phù hợp cho cả bạn và bé. Hãy đảm báo rằng bé hiểu được khi nào thì có thể gọi cho bạn và khi nào thì bạn không thể trả lời điện thoại.
2. Đặt ra quy định
Hãy đặt ra một vài quy định đặc biệt khi bạn không có ở nhà và đảm bảo rằng bé hiểu được những quy định đó. Hãy xem xét những quy định về:
- mời bạn đến chơi khi bạn không có nhà
- bé và bạn của bé không được vào những phòng nào
- thời gian xem TV và các loại chương trình TV
- những quy định về Internet và máy vi tính
- nấu nướng (bạn không nên để trẻ sử dụng bếp ga và dao)
- không mở cửa cho người lạ
- trả lời điện thoại
- chơi với anh/chị/em
- không nói cho ai biết là mình đang ở nhà một mình
3. Dự trữ đầy đủ
Hãy đảm bảo rằng nhà bạn có đầy đủ những thực phẩm và vật dụng cần thiết. Hãy để sẵn trong bếp những thực phẩm lành mạnh để bé ăn. Để đúng liều lượng thuốc mà bé cần uống, và đừng để những lọ thuốc lung tung, đặc biệt là khi có trẻ nhở ở nhà.
Ngoài ra, hãy đề đèn pin ở những nơi dễ lấy phòng trường hợp cúp điện. Hãy dán những số điện thoại cần thiết (của bạn, người thân, bác sĩ, cảnh sát, và cứu hỏa) ở những nơi bé có thể thấy dễ dàng.
4. Hãy đảm bảo rằng bạn đã
- tạo một danh sách những người mà bé có thể gọi điện hoặc những thứ mà bé có thể làm khi ở một mình.
- để thức ăn cho bé hoặc một ghi chú nói rằng bạn rất yêu và tự hào về bé.
- lên lịch trình cho bé khi ở nhà một mình.
- thiết lập chức năng Parental Controls trên máy vi tính và TV.
5. Bảo vệ bé trong nhà
Dù bé có nghe lời đến đâu thì cũng hãy đảm bảo bé tránh xa những thứ có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn và sức khỏe của bé. Hãy khóa chúng trong tủ hoặc để ở những nơi bé không thể với tới, hoặc nếu có thể thì hãy bỏ đi. Những thứ này bao gồm:
- thức uống có cồn
- thuốc: thuốc ngủ, thuốc ho…
- dao kéo
- thuốc lá
- chìa khóa
- hộp quẹt và diêm
Sẵn sàng để đi
Khi bạn đã sẵn sàng để bé ở nhà một mình lần đầu tiên, bạn cũng có thể làm thêm một vài bước có ích cho cả bạn và bé dưới đây.
Bạn nên nhờ một người họ hàng hoặc bạn của gia đình đến ở với bé. Đừng nói với bé rằng đó là người trông trẻ mà hãy nói rằng họ chỉ đến để chơi với bé thôi. Bạn cũng nên cho phép bé mời một người bạn mà bé tin tưởng đến nhà chơi. Hãy thông báo cho bố mẹ của bạn bé biết bạn sẽ không có ở nhà.
Đừng quên thú cưng cũng là một người bạn rất tốt của trẻ em khi ở nhà một mình. Nhiều đứa trẻ cảm thấy an toàn hơn khi ở bên thứ cưng – ngay cả những con vật nhỏ như hamster cũng khiến bé cảm thấy như đang có một người bạn ở bên cạnh.
Vì vậy, hãy chuẩn bị kỹ càng mọi thứ và thư giãn, bạn và con bạn sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái với những ngày mà bé phải ở nhà một mình ngay thôi mà!