Việc có nên cho trẻ sơ sinh ngủ chung giường với bố mẹ hay không là một vấn đề gây rất nhiều tranh cãi ở Hoa Kỳ. Những người ủng hộ việc này tinh rằng giường của bố mẹ chính là chỗ ngủ lý tưởng nhất của trẻ. Nhưng liệu nó có an toàn không?

Tại sao một số người lại cho trẻ ngủ chung giường?
Những người ủng hộ việc cho trẻ ngủ chung giường với bố mẹ tin – và một vài nghiên cứu cũng đã củng cố niềm tin này – rằng việc cho trẻ ngủ chung:
- Khuyến khích việc cho trẻ bú sữa mẹ vì nó giúp việc cho con bú vào ban đêm thuận lợi hơn
- Giúp người mẹ đang cho con bú có chu kỳ ngủ hòa hợp hơn với chu kỳ ngủ của trẻ
- Giúp trẻ chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn, đặc biệt là vào những tháng đầu đời và khi chúng bị thức giấc giữa đêm
- Giúp trẻ ngủ được nhiều hơn vào ban đêm
- Giúp những bậc phụ huynh không được gần con vào ban ngày có được sự gần gũi với con hơn
Nhưng liệu những lợi ích của việc cho trẻ ngủ chung giường với bố mẹ có thể bù đắp lại những tác hại mà nó có thể gây ra không?
Việc cho trẻ ngủ chung giường với bố mẹ có an toàn không?
Dẫu có rất nhiều ưu điểm nhưng Ủy Ban An Toàn Sản Phẩm Tiêu Dùng Hoa Kỳ (CPSC) vẫn khuyến cáo bố mẹ không nên cho trẻ ngủ chung giường với người lớn.
Họ cho rằng việc làm này sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị ngạt thở. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên các bậc phụ huynh nên cho trẻ ngủ chung phòng với mình thay vì ngủ chung giường. Theo AAP, việc cho trẻ ngủ chung phòng là một cách rất tốt giúp phòng tránh chứng đột tử ở trẻ (SIDS).
Thep CPSC, việc ngủ chung giường với bố mẹ đã gây ra cái chết cho ít nhất 515 trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi ở Hoa Kỳ từ tháng 1/1990 đến tháng 12/1997: - 121 trẻ bị bố mẹ, người chăm sóc, hoặc anh chị em đè lên người trong khi ngủ - Hơn 75% trường hợp liên quan đến những trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi
Những người ủng hộ việc cho trẻ ngủ chung giường với bố mẹ cho rằng nó không nguy hiểm đến vậy và CPSC đã hành động hơi thái quá khi khuyến cáo rằng bố mẹ đừng bao giờ ngủ chung giường với trẻ dưới 2 tuổi. Họ cho rằng bố mẹ sẽ không đè lên con bởi vì họ luôn nhận thức được sự hiện điện của trẻ – ngay cả khi đang ngủ.
Tuy nhiên, cũng có những đối tượng không nên ngủ chung giường với trẻ như:
- Trẻ khác – đặc biệt là trẻ nhỏ – vì chúng sẽ không nhận thức được sự hiện diện của trẻ
- bố mẹ uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích vì chúng sẽ làm giảm khả năng nhận thức sự hiện diện của trẻ của họ
- bố mẹ hút thuốc vì khói thuốc lá chính là một trong những nguyên nhân hàng đâu gây ra SIDS
Làm sao để có thể cho trẻ ngủ chung giường một cách an toàn nhất có thể?
Nếu bạn muốn cho trẻ ngủ chung giường với mình, hãy thực hiện đầy đủ những điều sau:
- Luôn cho trẻ nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ SIDS.
- Không để đầu của trẻ bị che phủ trong khi ngủ.
- Đảm bảo rằng đầu giường và chân giường của bạn không có kẽ hở có thể làm kẹt đầu trẻ.
- Đừng cho trẻ ngủ trên giường của người lớn một mình.
- Không nên cho trẻ ngủ trên những bề mặt quá mềm như nệm mềm, ghế sofa, hoặc giường nước.
- Đừng đặt gối, chăn, khăn hoặc những vật dụng mềm mại khác trên giường. Hãy cho trẻ ngủ trong một chiếc nôi chuyên dùng để ngủ chung giường với bố mẹ thay vì chăn.
- Không uống rượu bia hoặc uống các loại thuốc có thể khiến bạn ngủ sâu và lăn đè lên trẻ trong khi ngủ.
- Đừng cho trẻ ngủ gần màn cửa, nơi mà trẻ có thể bị xiết bởi những chiếc dây kéo màn.

Tập cho trẻ ngủ một mình
Hầu hết các chuyên gia y tế đều cho rằng nơi ngủ an toàn nhất của trẻ sơ sinh là trong một chiếc nôi đạt chuẩn an toàn và không được lót bằng những chăn nệm quá mềm.
Nếu bạn đang cho trẻ ngủ chung giường với mình và muốn ngừng lại, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có một kế hoạch tập cho bé ngủ một mình trong nôi thật hợp lý.
Bạn vẫn có thể giữ trẻ gần bên mình mà không nhất thiết phải ngủ chung giường. Bạn có thể:
- Đặt nôi của trẻ bên cạnh giường của mình. Việc này sẽ giúp bạn duy trì được sự gần gũi với trẻ và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc cho trẻ bú. AAP cho rằng việc cho trẻ ngủ trong một chiếc nôi riêng được đặt trong phòng bố mẹ cũng giúp giảm nguy cơ SIDS đáng kể.
- Hãy mua một chiếc nôi mở một bên mà bạn có thể gắn vào giường của mình để bạn có thể ngủ gần trẻ và loại trừ được khả năng bạn sẽ lăn đè lên trẻ trong khi ngủ.

Dĩ nhiên, việc quyết định nơi ngủ cho bé – chung giường với bố mẹ hoặc trong nôi – phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Khi xem xét ưu khuyết điểm của cả hai lựa chọn này, hãy trò chuyện với bác sĩ về những nguy cơ, lợi ích chúng để tìm ra giải pháp phù hợp với gia đình bạn nhất.
Xem thêm: Cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon mà bạn không thể bỏ qua