Nếu bố mẹ phát hiện ra con mình chậm tiếp thu hơn so với những đứa trẻ khác thì đừng quá lo lắng mà hãy bình tĩnh, thử thực hiện những giải pháp cách dạy trẻ chậm tiếp thu dưới đây của chúng tôi.
Dấu hiệu trẻ chậm tiếp thu
Nhiều khi trẻ chỉ chậm chạp một môn học nào đó như toán học, tập đọc mà bố mẹ nhầm lẫn là con mình chậm tiếp thu. Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ dấu hiệu nhận biết trẻ chậm tiếp thu để bố mẹ có thể hiểu rõ:
- Trẻ nhỏ thường chỉ tập trung được trong thời gian ngắn, nhưng nếu bé không thể tập trung 2-3 phút thì cần có sự hỗ trợ đặc biệt.
- Bé nhút nhát khi tiếp xúc với những người bên ngoài.
- Tốc độ tiếp nhận kiến thức môn học chậm hơn so với những đứa trẻ khác.
- Bé tự tách mình và bị tách khỏi bạn bè vì tiếp thu chậm.
- Do tiếp thu chậm nên trẻ trở nên kém tự tin.
Cách dạy trẻ chậm tiếp thu
Hãy luôn ở bên giúp đỡ trẻ
Đứa trẻ nào cũng cần bố mẹ bên cạnh, tuy nhiên con bị chậm tiếp thu thì bố mẹ hãy đồng hành, ở bên giúp đỡ con thường xuyên hơn. Điều này sẽ giúp bé cảm nhận được tình yêu thương và có động lực để cố gắng tập trung, tiếp thu bài tốt hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ hỗ trợ giải thích chậm, rõ ràng những thông tin, bài học mà bé chưa hiểu từ đó con sẽ cải thiện dần khả năng tiếp thu của mình. Bố mẹ nhớ phải thật kiên trì nhẫn nại.
Đừng gán nhãn cho con
Bố mẹ đừng bao giờ gán nhãn cho con và nói con là đứa chậm tiếp thu hay yếu kém, điều này sẽ khiến cho bé ngày càng tự ti về bản thân và chấp nhận sự yếu kém của mình thiếu đi nỗ lực để thay đổi và ảnh hưởng đến cả tương lai của bé sau này.
Bố mẹ cũng đừng so sánh con với những đứa trẻ khác như vậy bé sẽ cảm thấy khó chịu, ngày càng co cụm và thu người vào chiếc vỏ của mình, đây là một trong số những rào cản để bé vượt qua vấn đề chậm tiếp thu của mình.
Giữ liên hệ với cô giáo của bé
Thời gian của các bé đa phần ở trường, bố mẹ không nên giao hết trách nhiệm cho thầy cô mà hãy liên lạc trao đổi với cô giáo của bé thường xuyên để nắm rõ tình hình của con ở trường như thế nào, khả năng tiếp thu của bé có được cải thiện không và nhờ cô có hỗ trợ cần thiết cho bé trong suốt quá trình học ở trường.
Hãy giúp bé nhận ra điểm mạnh của mình
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tiềm năng của mình, tuy không phải đứa trẻ nào cũng sẽ trở thành thiên tài, nhà khoa học hay vĩ nhân nhưng chắc chắn sẽ có một thế mạnh riêng. Bé có thể chậm tiếp thu nhưng có thể con có điểm mạnh tính toán rất giỏi, đàn rất hay, chơi đá banh rất tài, …mẹ hãy cho bé nhìn thấy điểm mạnh của mình và tạo cơ hội để cho con phát huy. Từ đó, bé sẽ có thêm niềm tin, động lực để ngày hoàn thiện bản thân mình.
Hãy nói với con rằng “con có thể”
Bố mẹ đừng bao giờ nghĩ con mình chậm tiếp thu nên bé sẽ làm việc gì cũng hậu đậu, chậm chạp và không dám cho con làm việc gì. Khi trẻ muốn làm gì hãy nói với con rằng “con có thể” như vậy bé sẽ tự tin để làm, dù có chưa tốt thì đó là cơ hôi để con hoàn thiện kỹ năng của bản thân mình và ngày càng tự tin.
Cách dạy trẻ chậm tiếp thu đạt hiểu quả không hề khó, quan trọng là bố mẹ phải thật kiên nhẫn, kiên trì để đồng hành cùng với con, động viên và hỗ trợ con.