Khám thai định kỳ có thể nói là vô cùng quan trọng mà các mẹ cần phải ghi nhớ và thực hiện theo. Bởi sẽ giúp phát hiện những vấn đề bất thường ở thai nhi để có hướng xử lý kịp thời, cũng như biết được quá trình phát triển của thai nhi. Dưới đây, là các thời điểm khám thai định kỳ mà mẹ bầu cần ghi nhớ.

Lợi ý khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ không chỉ là siêu âm mà là một hệ thống thăm khám lâm sàng cũng như cận lâm sàng giúp trả lời các câu hỏi: liệu thai nhi có đang phát triển bình thường không?, liệu thai nhi có đang mắc dị tật nào không? Mẹ bầu nên ăn uống, sinh hoạt như thế nào cho hợp lý?. Dưới đây là những lợi ích của khám thai định kỳ.
– Giúp phát hiện những vấn đề trong thai kỳ
Khi mang thai cơ thể của người mẹ thay đổi rất nhiều và ảnh hưởng đến thai nhi. Thông qua những lần khám thai định kỳ này các bác sĩ sẽ phát hiện ra các vấn đề của thai nhi trong từng giai đoạn như thai nhi chậm phát triển, dị tật bẩm sinh… để từ đó có hướng xử lý và can thiệp kịp thời tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra sau này.
– Giúp tâm lý mẹ bầu thoải mái hơn
Khi khám thai định kỳ các mẹ sẽ được bác sĩ cho biết thai nhi trong bụng mình phát triển như thế nào. Khi chẳng may có vấn đề xảy ra thì bác sĩ tư vấn hướng xử lý một cách an toàn.
Từ đó giúp mẹ có được tâm lý thoải mái hơn trong suốt thai kỳ, giảm căng thẳng, lo lắng không đáng có.
– Mẹ có thêm kiến thức về chăm sóc thai nhi
Thường sau khi khám thai các bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu nên ăn uống, sinh hoạt như thế nào để thai phát triển tốt, và cần tránh những gì. Từ đó giúp các mẹ có được kiến thức bổ ích chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh.
Các mốc khám thai định kỳ mẹ bầu cần nhớ
Thai kỳ của người mẹ được chia ra làm 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối. Theo khuyến cáo của bộ y tế trong mỗi 3 tháng này người mẹ nên đi khám thai định kỳ ít nhất 1 lần. Tốt nhất trong suốt quá trình mang thai, người mẹ nên có 7 lần khám thai định kỳ, cụ thể dưới đây:
– Khám thai lần đầu (tuần 5-8)
Trong lần khám thai này bác sĩ sẽ cho mẹ bầu biết thai đã vào tử cung hay chưa, thai nhi có phát triển bình thường hay không và tim thai đã xuất hiện hay chưa.
Người mẹ cũng sẽ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm máu, thử nước tiểu, đo huyết áp để phát hiện bệnh lý kèm theo như tim mạch, huyết áp. Bên cạnh đó mẹ cũng được tư vấn về cách chăm sóc thai kỳ.
– Khám thai lần 2 (tuần 11-14)
Các bác sĩ sẽ khám để xác định tuổi thai chính xác. Mốc khám thai 12 tuần là mốc rất quan trọng, các bác sĩ sẽ tiến hành đo độ mờ da gáy và các chỉ số khác của thai nhi qua đó dự đoán những bất thường ở nhiễm sắc thể có thể gây nên bệnh down, và dị tật bẩm sinh khác. Các bác sĩ cũng chỉ định các xét nghiệm như Double test.
– Khám thai lần 3 (tuần 16)
Mẹ bầu sẽ được các bác sĩ thăm khám thông thường (siêu âm, thử nước tiểu, đo huyết áp, thử máu). Giai đoạn này những dị tật thai nhi được chẩn đoán rõ ràng.
– Khám thai lần 4 (tuần 22-23)
Đây cũng là mốc khám thai định kỳ rất quan trọng để kiểm soát các dị tật ở thai nhi. Các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng trong nội tạng, ổ bụng được phát hiện qua siêu âm rõ ràng nhất trong giai đoạn này.
– Khám thai lần 5 (tuần 26)
Các mẹ sẽ được siêu âm thai để phát hiện ra các bất thường của mẹ và bé. Trong lần khám thai này mẹ cũng sẽ được tiêm uốn ván.
– Khám thai lần thứ 6 (tuần 31-32)
Thai phụ sẽ được siêu âm để phát hiện những vấn đề hình thái xảy ra muộn, đặc biệt các vấn đề bất thường ở tim, não. Cũng trong lần khám thai này mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván thứ 2.
– Khám thai lần thứ 7 (tuần 36)
Trong lần khám này bác sĩ sẽ đo tim thai, chuyển động, đánh giá cân nặng và tình trạng nước ối, bánh nhau.
Sau 7 lần khám thai định kỳ này tuỳ theo tình trạng của mẹ và bé mà bác sĩ sẽ chỉ định khám định kỳ 2 tuần/lần hoặc 1 lần/tuần cho những lần sau.
Xem thêm: Những điều mẹ bầu cần quan tâm khi mang thai lần đầu