Thời lượng ngủ của bé phải đủ để bé hồi phục sức khỏe, đủ tỉnh táo và tiếp tục chơi, và để bố mẹ yên tâm làm việc.
Vậy bé ngủ bao nhiêu là vừa? Điều này rất khó xác định, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, tình trạng thể chất, tâm lý của bé. Bố mẹ có tham khảo thời lượng ngủ trung bình được nghiên cứu trên hơn 2000 bé của bác sỹ Weissbluth (Mỹ) để xác định được tình trạng giấc ngủ của bé.
1. Lứa tuổi dưới 3-4 tháng
Bé ngủ theo yêu cầu, vì cháu chưa có nhịp thức – ngủ tự nhiên, chưa có kiểu ngủ tự nhiên, còn lẫn lộn ngày và đêm (ngủ dài ban ngày, thức dài ban đêm), không chịu ảnh hưởng của các tiếng động môi trường.
- Những ngày đầu sơ sinh: Bé ngủ 16-17, thậm chí 20 giờ/ngày nhưng giấc dài nhất chỉ kéo dài 4-5 giờ.
- Từ 1 tuần đến 4 tháng: Thời lượng ngủ giảm xuống từ 15- 16 giờ, giấc dài nhất trong đó tăng lên thành 4-9 giờ.
Thời gian này nói chung bé ngủ nhiều, tha hồ ẵm bế đi khắp nơi. Xung quanh có thể ồn ào, bé vẫn không bị thức dậy. Cha mẹ không lo ngại vì lúc này cháu ngủ theo nhu cầu bản thân.
Thực tế, có cháu 1-2 tuần tuổi lại thức khá lâu, sau đó mới yên tĩnh lại. Đó là do hệ thần kinh của cháu chưa phát triển.
2. Lứa tuổi trên 3-4 tháng
Bé vẫn ngủ nhiều nhưng chịu tác động của môi trường xung quanh (hành vi của bố mẹ và người thân, mức độ yên tĩnh, ánh sáng, sự căng thẳng của môi trường). Giữ gìn sự yên tĩnh xung quanh, hành vi âu yếm của bố mẹ lúc này là rất cần.
Sau 6 tháng, bé bắt đầu chú ý đến xung quanh: cái tủ, chiếc xe máy, tấm ảnh treo trên tường, đồ chơi bày xung quanh chỗ nằm. Các thứ này đôi khi làm bé mất tập trung. Tất nhiên cũng có một vài trường hợp đặc biệt, nhịp thức – ngủ hình thành sớm.
3. Bé đang bú và tuổi răng sữa
Bé càng lớn, thời lượng ngủ càng giảm dần. Nghiên cứu tiến hành trên hơn 2.000 bé của bác sĩ Weissbluth (Mỹ) vào năm 1980 cho thấy:
- Tuổi càng lớn, thời lượng ngủ càng giảm (cả số giờ ngủ đêm, ngủ ngày và tổng thời lượng ngủ).
- 90% bé em ở độ tuổi này ngủ dưới 16 giờ, trong đó 10% bé ngủ từ 11 giờ trở xuống.
Kết quả này hoàn toàn trùng hợp với các nghiên cứu trước đó của Anh (1910), của Nhật (1925), của Mỹ ở Minnesota (1927) và ở California (1941). Điều này chứng tỏ, bất chấp sự khác biệt về văn hóa, dân tộc, lối sống, xã hội…, sự thay đổi thời lượng ngủ của bé em tại các nước đều giống nhau vì được quy định bởi các yếu tố sinh học.
Thời lượng ngủ ảnh hưởng đến tâm lý của bé:
Khảo sát mới đây của bác sĩ Weissbluth trên 60 em khỏe mạnh, lúc 5 tháng tuổi và lúc 36 tháng tuổi cho kết quả:
4. Bé 5 tháng tuổi
Khi đối chiếu thời lượng ngủ với khả năng chú ý của bé, tác giả nhận thấy những bé hay chơi đùa, hay mỉm cười với bố mẹ, có tính thích ứng bình thường, nhìn người lạ một cách chăm chú, đều có thời lượng ngủ dài.
Tùy theo thời lượng ngủ, các cháu được chia làm 2 nhóm:
Nhóm 1:
- Thời gian ngủ ngày: 3 giờ 30 phút
- Thời gian ngủ đêm: 12 giờ
- Tổng thời lượng ngủ: 15 giờ 30 phút
Nhóm 2:
- Thời gian ngủ ngày: 3 giờ
- Thời gian ngủ đêm: 9 giờ 30 phút
- Tổng thời lượng ngủ: 12 giờ 30 phút
Thời gian ngủ của nhóm 1 lớn hơn nhóm 2 là 3 giờ (gần 20%) và khoảng chú ý của nhóm 1 cũng dài hơn. Bé có thời lượng ngủ đủ thì tỉnh táo, tiếp thu hết các thông tin xung quanh, như miếng bọt biển khô kiệt ngấm nhiều nước.
Ngoài ra, khả năng chú ý còn liên quan tới giấc ngủ ngày hoặc giấc ngủ ngắn ban ngày. Bé ngủ ngày nhiều hơn có thời gian tập trung chú ý dài hơn.
Kết luận: Thời lượng ngủ có ảnh hưởng đến thời trang tập trung chú ý của bé. Đặc biệt, thời lượng của giấc ngủ ngắn ban ngày cũng góp phần rất quan trọng đến sự tỉnh táo của các cháu.
5. Bé 3 tuổi
Tùy theo khí chất, bé được chia làm 2 nhóm:
- Nhóm 1: Khí chất dịu dàng, dễ thích ứng với ngoại cảnh, dễ gần, dễ quản lý.
- Nhóm 2: Khí chất bướng bỉnh, hay cáu kỉnh, khó thích ứng khi gặp khó khăn, tiếp xúc thì rụt rè, khó quản lý.
Đối chiếu tổng thời lượng ngủ với khí chất của bé thấy các em nhóm dễ quản lý có thời lượng ngủ lớn hơn các em nhóm khó quản lý là 1 giờ 30 phút, tương đương một giấc ngủ ngắn ban ngày, trong khi giấc ngủ đêm có thể coi như bằng nhau. Vậy giấc ngủ ngắn có liên quan đến khí chất.
Thời lượng ngủ ngắn ban ngày không hề ảnh hưởng tới thời lượng ngủ đêm như ta vẫn tưởng. Quan niệm nếu ngủ ngắn ít thì sẽ ngủ đêm nhiều là không đúng. Trên thực tế, giấc ngủ qua đi không cần được đền bù. Vì vậy, cần khuyến khích bé ngủ ngày.
Kết luận: Bé có tổng thời lượng ngủ nhiều, đủ, thì dễ quản lý. Bé có thêm giấc ngủ ngắn ban ngày sẽ có tổng thời lượng ngủ lớn hơn, dễ thích ứng với xung quanh, tươi cười, hoà mình và ít đòi hỏi hơn các em khác.
Tóm lại, thời lượng ngủ, kể cả giấc ngủ ngắn ban ngày, ảnh hưởng rất nhiều đến sự thông minh nhanh nhẹn và tính khí của bé.
Xem thêm: Cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon mà bạn không thể bỏ qua