10 điều cần nhớ khi tập cho bé ăn dặm

bé ăn dặm
bé ăn dặm

1. Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu (180 ngày tuổi)

Nên cho bé bú sữa non sớm trong vòng 1 giờ sau sinh.

Cho bé bú hoàn toàn và theo nhu cầu trong 6 tháng đầu và không cần cho bé ăn bất cứ loại thức ăn, nước uống nào.

Nguy cơ có thể xảy ra nếu bé không được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu:

  • Bé dễ bị suy dinh dưỡng.
  • Bé mắc bệnh vì thiếu các yếu tố bảo vệ có trong sữa mẹ.
  • Bé dễ bị tiêy chảy do thức ăn bổ sung không sạch hay khó tiêu.
  • Bé có thể bị dị ứng với thức ăn không phù hợp.
  • Tăng nguy cơ mang thai của bà mẹ.

2. Tiếp tục cho bé bú mẹ theo nhu cầu cho tới 2 tuổi hoặc hơn

Từ 6 tháng 12 tháng, sữa mẹ tiếp tục cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của bé và từ 12 – 24 tháng, sữa mẹ cung cấp ít nhất một phần ba nhu cầu dinh dưỡng của bé , vì vậy cần tiếp tục cho bé bú mẹ để tận dụng được nguồn dinh dưỡng quý.

Sữa mẹ còn tiếp tục cung cấp các yếu tố bảo vệ bé mắc khỏi nhiều loại bệnh.

Tạo sự gần gũi mẹ con và giúp bé phát triển tâm lý.

>>> Xem thêm: Khi nào nên cai sữa cho con và kết hợp ăn dặm như thế nào?

3. Bắt đầu cho bé ăn bổ sung từ khi bé được 6 tháng

Bắt đầu cho bé ăn bổ sung từ khi bé được 6 tháng với lượng thức ăn ít và tăng dần khi bé lớn hơn, vẫn duy trì bú mẹ.

TuổiLoại thức ănSố bữa/ ngàySố lượng mỗi bữa ăn
6 – 8 thángBột đặc (tập cho ăn bột loãng rồi đặc dần hoặc thức ăn nghiền)2 bữa + bú mẹ thường xuyên2 -3 thìa (lúc bắt đầu tập ăn bột) tăng dần lên 2/3 bát 250 ml
9 – 11 thángBột đặc hoặc cháo với thức ăn thái nhỏ, nghiền hoặc những thức ăn bé3 bữa + 1 bữa phụ + bú mẹ3/4 bát 250 ml
12 – 24 thángCháo, cơm với thức ăn gia đình, có thể thái nhỏ hoặc nghiền3 bữa + 2 bữa phụ + bú mẹ1 bát 250ml
Lượng thức ăn trên tính cho bé bú mẹ, nếu bé không được bú mẹ thì cho bé uống thêm 1-2 cốc sữa/ngày và ăn thêm 1-2 bữa/ngày.

4. Cho bé ăn bổ sung đặc dần và thay đổi loại thức ăn khi bé lớn dần

Cho bé ăn bổ sung đặc dần và thay đổi loại thức ăn khi bé lớn dần, phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu hóa của bé

  • Khi bé được 6 tháng tuôi, cho bé ăn những thức ăn xay nhỏ, nghiền nát và nấu nhuyễn.
  • Đến 8 tháng tuổi, cho bé ăn thêm các thức ăn cầm nắm được trên tay.
  • Bé 12 tháng, nên cho bé ăn các thức ăn cùng gia đình và nên ưu tiên nhiều thịt, trứng và cá.
  • Tránh những thức ăn cứng và có thể gây hóc cho bé như các loại hạt, nho, cà rốt sống, khoai lang sống…

5. Cho bé ăn đủ bốn nhóm thực phẩm

Cho bé ăn đủ bốn nhóm thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ chất cho sự phát triển của bé:

  • Ngoài bột, cháo hay cơm, cần cho bé ăn các loại thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ thường xuyên trong khả năng có thể.
  • Hàng ngày nên cho bé ăn các loại rau có màu xanh đậm; củ, quả có màu đỏ, vàng, da cam chứa nhiều Vitamin A hàng ngày.
  • Nhớ đưa dầu ăn vào bữa ăn của bé (mỡ cũng được, nhưng dầu động vật/thực vật sẽ giúp bé dễ hấp thu chất béo hơn)
  • Trước khi cho bé bú 2 tiếng, mẹ tránh uống café, nước trà, nước ngọt có ga.
  • Tránh cho bé uống nước trái cây trước bữa ăn dặm/bú mẹ.

6. Tăng cường vi chất dinh dưỡng cho bé

Tăng cường vi chất dinh dưỡng cho bé (như vitamin A và sắt) bằng cách lựa chọn thực phẩm giàu vi chất và ăn sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Cho bé ăn thực phẩm giàu vi chất như rau, củ, quả có màu vàng đỏ, màu xanh thẫm và thịt, trứng, cá…

Khuyến khích cho bé ăn và uống thêm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Bà mẹ cho con bú cần được bổ sung vi chất dinh dưỡng hoặc các thực phẩm tăng cường vi chất để đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và nâng cao chất lượng sữa mẹ.

7. Thực hành vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt

  • Người chăm sóc bé cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và rước khi cho bé ăn.
  • Rửa tay bằng xà phòng cho bé trước và sau khi ăn.
  • Cho bé ăn ngay sau khi nấu.
  • Sử dụng dụng cụ sạch để nấu ăn cho bé .
  • Sử dụng cốc và bát sạch cho bé ăn.
  • Thức ăn cần được đậy cẩn thận.
  • Tránh sử dụng bình sữa vì khó rửa sạch.
bé rửa tay

8. Chăm sóc bé khi bị bệnh và khỏi bệnh

Khi bé bệnh và sau khi khỏi bệnh, cần cho bé uống nhiều nước, tăng số lần bú mẹ, khuyến khích bé ăn thức ăn mềm và đa dạng

9. Tập cho bé ăn

Tập cho bé ăn theo nhu cầu, luôn kiên nhẫn, khuyến khích và động viên bé

  • Đối với bé nhỏ, trực tiếp cho bé ăn và với bé lớn hơn, nên tập cho bé tự ăn.
  • Tập cho bé ăn phối hợp các loại thức ăn khác nhau về mùi vị, độ cứng mềm và thay đổi cách dỗ dành bé .
  • Luôn kiên nhẫn và khuyến khích bé ăn. Chú ý khi bé đói hoặc no để có giúp đỡ phù hợp.
  • Hạn chế những tác động xung quanh trong thời gian cho bé ăn vì dễ làm bé mất tập trung.
  • Người chăm sóc bé nên biết: Thời gian ăn cũng là thời gian bé học và được yêu thương – hãy nói chuyện với bé và giao tiếp bằng mắt với bé khi cho bé ăn.
tập cho bé ăn dặm

>>> Xem thêm: Những lợi ích khi sử dụng ghế ăn dặm

10. Có lịch theo dõi sức khỏe của bé

Lên lịch kiểm tra cân nặng của bé để theo dõi sự phát triển.

Tiêm phòng cho bé theo đúng lịch tiêm chủng của Trạm y tế để phòng bệnh tật.